“Làm giám đốc càng phải hy sinh”
PGS.TS. BS.Nguyễn Quang Tuấn được biết đến là người tiên phong trong lĩnh vực tim mạch can thiệp tại Việt Nam. Dù trong vai trò Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội với thành công ở hàng nghìn ca phẫu thuật khó, hay trong vai trò mới là đại biểu Quốc hội khóa XIV thì ông vẫn luôn là một người tràn đầy tâm huyết.
Trước một số vấn đề nóng xảy ra trong ngành y tế thời gian qua, ông đã dành cho PV báo Người Đưa Tin những chia sẻ thẳng thắn.
Trước hết, xin trân trọng cảm ơn ông vì đã dành thời gian cho phóng viên khi có rất nhiều công việc bận rộn trong vai trò người quản lý, vừa làm công tác chuyên môn và là một ĐBQH. Xin được hỏi, hiện nay, điều gì đang là mối quan tâm hàng đầu của bác sĩ?
Một điều mà tôi thấy còn trăn trở là cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, kéo gần khoảng cách giữa các thành phố lớn với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nếu chúng ta làm tốt công tác này, ngay cả trạm y tế phường, xã và các bệnh viện tuyến cơ sở có thể đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị bệnh thật tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Điều này cũng góp phần quan trọng làm giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh. Thực hiện được những ca phẫu thuật khó ngay ở bệnh viện tuyến dưới là tốt nhất. Tôi mong bộ Y tế có thể đẩy nhanh chủ trương này hơn so với lộ trình. Bởi điều này góp phần không nhỏ thực hiện tốt khám chữa bệnh ở cấp cơ sở, là giải pháp căn bản giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên như hiện nay.
Thưa bác sĩ, được biết ông là một trong những người rất tỉ mỉ với từng ca phẫu thuật, ngay cả vết mổ cũng cần phải đẹp?
Tôi nghĩ rằng, bản thân mỗi bác sĩ phải cố gắng tốt nhất có thể. Hãy coi công tác chuyên môn như một nghệ thuật. Trong quá trình làm cần tập trung toàn bộ trí óc, tư tưởng vào công việc thì mới có thể làm tốt. Để đạt được đến đỉnh cao nghệ thuật là cả một sự nỗ lực không ngừng.
Là bác sĩ, Giám đốc bệnh viện luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực. Làm thế nào để vượt qua và xứng đáng với câu nói “lương y như từ mẫu”?
Chắc chắn là có rất nhiều áp lực. Bởi ngày nay dân trí được nâng cao, nhận thức của người dân hoàn toàn có thể phân biệt được những điều không hay. Đi kèm với nhận thức là những đòi hỏi, nhu cầu và mong muốn của người dân ngày càng cao hơn. Do đó, mỗi nhân viên y tế cần thay đổi, làm sao để từng cá nhân đáp ứng được nhu cầu và sự mong đợi cao đó.
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng đông thì áp lực càng lớn. Ngay như một bệnh viện nhỏ là bệnh viện Tim Hà Nội, một ngày có hàng trăm lượt người đến khám chữa bệnh, hàng chục lượt bệnh nhân cần được mổ. Với nghề này không tránh khỏi tai biến y khoa, có thể có những rủi ro trong tiếp xúc với bệnh nhân hay với người nhà bệnh nhân... Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và uy tín của bệnh viện.
Chính vì thế, trách nhiệm của một giám đốc là hết sức nặng nề. Cần cố gắng vừa hoàn thành chuyên môn, vừa gắt gao, chặt chẽ trong quản lý để có thể giám sát, hạn chế tối đa những tai biến y khoa, rủi ro y khoa.
Vậy nên mặc dù làm người quản lý nhưng hàng tuần, tôi vẫn khám và điều trị cho bệnh nhân như một bác sĩ bình thường, bởi tôi xuất thân từ một người làm chuyên môn. Thêm nữa, qua công việc chuyên môn, tôi hiểu được người dân muốn gì, bệnh nhân muốn gì và họ hoàn toàn có thể gặp trực tiếp giám đốc để phản ánh, không chỉ bức xúc về bệnh tật mà cả chuyện đời thường.
Những giao tiếp không hay giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, nhũng nhiễu trong khám chữa bệnh... có thể đến tai giám đốc ngay. Đó cũng là kênh quan trọng để xây dựng bệnh viện ngày càng tốt hơn.
Trách nhiệm và vinh dự luôn gắn liền với nhau. Làm giám đốc thì càng phải hy sinh, chịu sức ép để được đồng nghiệp nể trọng, xã hội tôn vinh. Phải cân bằng giữa chuyên môn và quản lý. Nếu sa đà quá vào chuyên môn thì quản lý không tốt, mất cả thương hiệu bệnh viện. Phải giữ chuyên môn để rèn luyện kỹ năng của chính mình, phải tiếp cận liên tục với người bệnh, người nhà bệnh nhân để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng, bức xúc của họ, hiểu guồng máy của mình có gì phù hợp, không phù hợp để thay đổi cho kịp thời.
Đại biểu Quốc hội phải xứng đáng với niềm tin của cử tri
Trên thực tế, thời gian qua có những vụ việc bác sĩ tắc trách, nhũng nhiễu khiến bệnh nhân và người nhà rất bức xúc. Theo ông, để môi trường ngành y không còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?
Như tôi nói, sự cố y khoa là điều không tránh khỏi, đó là yếu tố khách quan. Nhưng bác sĩ mà tắc trách gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh là điều khó chấp nhận. Mỗi người đã mang danh làm bác sĩ thì cần làm việc một cách có tâm và cực kỳ thận trọng.
Còn chuyện phong bì cũng là một hình ảnh rất xấu, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Điều cần nhất hiện nay là nâng cao chất lượng đời sống cho đội ngũ y bác sĩ. Thêm nữa, như tôi đã nói ở trên, cần đẩy mạnh phát triển bệnh viện và dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Bởi thực tế có nhiều nơi tập trung quá đông bệnh nhân, gây quá tải là yếu tố tạo nên thái độ cửa quyền, hách dịch của người làm nghề y.
Cần nâng cao đời sống của người thầy thuốc, để họ không phải tìm cách mưu sinh. Đặc biệt là không phải nghĩ về phong bì của bệnh nhân, không đùn việc cho nhau và chất lượng khám chữa bệnh sẽ ngày một tốt hơn.
Là một đại biểu Quốc hội, sau 2 kỳ họp Quốc hội khóa XIV, ông có nhìn nhận như thế nào về hoạt động nghị trường và còn điều gì trăn trở?
Tôi thấy hoạt động Quốc hội là một môi trường chuyên nghiệp, mà ở đó các đại biểu cũng như cá nhân tôi có thể nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân, cũng là tâm tư nguyện vọng của chính mình với mong muốn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Hoạt động chất vấn thẳng thắn tại nghị trường rất hiệu quả, mọi vấn đề được mổ xẻ, đi đến cùng.
Nếu như khi làm bác sĩ, tôi chỉ bó hẹp trong công tác chuyên môn thì khi đến với hoạt động nghị trường, tôi quan tâm đến nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô hơn, làm sao để đưa những chính sách thiết thực đi vào cuộc sống. Cái gì có lợi cho nhân dân, cho người bệnh là phải cố gắng làm.
Xin được hỏi ông thêm một vấn đề thời sự hiện nay. Thời gian qua, Quốc hội đã bãi nhiệm một số đại biểu khi có vi phạm, không đủ tư cách. Gần đây, vụ việc của ĐBQH Võ Kim Cự - người chịu trách nhiệm chính trong sai phạm vụ Formosa ở Hà Tĩnh và có những “sai phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”. Cá nhân ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rất đơn giản, người đại biểu Quốc hội có được vinh dự này là dựa trên sự tín nhiệm, tin tưởng của cử tri. Nếu không còn xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm ấy nữa thì bãi nhiệm là việc cần phải làm.
Thậm chí, cần tiến tới việc, mỗi đại biểu Quốc hội tự nhìn nhận đánh giá bản thân. Nếu đại biểu Quốc hội cảm thấy mình không còn xứng đáng với từng lá phiếu của cử tri đã bầu ra mình thì có thể chủ động xin rút, đừng chờ đến khi bị xem xét và bãi nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu