Chiều 7/6, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội về việc Quốc hội bãi nhiệm, cách chức ông Nguyễn Thanh Long, HĐND Tp.Hà Nội bãi nhiệm chức Chủ tịch Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh, ĐBQH Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - vừa nói vừa nghẹn ngào vì những sự việc đau lòng vừa xảy ra.
Sức lan toả lớn về đấu tranh tham nhũng từ vụ Việt Á
NĐT: Thưa ông, hôm nay 7/6 Quốc hội đã bãi nhiệm ĐBQH khóa XV và phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, đồng thời, HĐND Tp.Hà Nội cũng bãi nhiệm chức Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh. Là đại biểu Quốc hội, cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: Có thể nói, điều này sẽ thỏa mãn được mong ước của người dân rằng chúng ta luôn phải đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tới cùng. Bất cứ là ai, vị trí nào cũng phải làm tới nơi tới chốn. Và hiện tại, nhân dân cũng rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của pháp luật, trị đúng người đúng tội.
Tôi nghĩ rằng, khi đã làm cán bộ phục vụ nhân dân thì phải vì dân phục vụ, chứ đừng nhờ những vị trí đặc quyền, đặc lợi mà dung túng cho bản thân để trục lợi, điều đó là không thể chấp nhận được.
NĐT: Có ý kiến cho rằng xử lý cán bộ như vậy sẽ làm mất đi người tài cho công tác chuyên môn, quan điểm của đại biểu như thế nào?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: Không phải, theo tôi có chuyên môn mới làm quản lý tốt mà muốn quản lý tốt thì phải có chuyên môn. Yếu tố có chuyên môn thì phải nâng cao tinh thần phục vụ, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng của đội ngũ cán bộ, lý tưởng phục vụ nhân dân và đạo đức sống rất quan trọng, nên không thể tách bạch. Như thế, mới trở thành người lãnh đạo có tầm cỡ quốc gia.
NĐT: Như ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh thời gian tại vị tại các cương vị rất ngắn, nhưng hành vi vi phạm lại rất lớn. Ông có đánh giá như thế nào về thái độ cũng như hành vi của cán bộ hiện nay, đặc biệt là cán bộ cấp cao?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: Đã có chức vụ, có quyền hạn nếu sử dụng vào hành vi tiêu cực thì khó chấp nhận. Cán bộ cấp thấp giữ quyền hạn thấp thì tác hại không nhiều, nhưng càng lên cao càng lạm dụng chức vụ đó phục vụ cho mục đích cá nhân thì tác hại vô cùng, tác hại về tiền bạc là một, còn về danh tiếng tác hại gấp hàng trăm hàng ngàn lần.
Bởi danh tiếng phải tích lũy hàng mấy chục năm mới có được, thêm một tác hại nữa là “vơ đũa cả nắm, nhìn con sâu làm rầu nồi canh, cho nên đau là đau ở chỗ đó”.
Động cơ “vinh thân phì gia”
NĐT: Trong kết cục đau lòng này, theo ông có phải do công tác quản lý kém hay vì lý do nào khác?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: Tôi nghĩ không phải do quản lý, cũng không phải do chuyên môn mà có một động cơ “vinh thân phì gia”, đạo đức không được rèn luyện thường xuyên, tới một giai đoạn nào đó cứ nghĩ tích cóp cho gia đình, bản thân, cho anh em, dòng họ… những tư tưởng đó phát sinh ở một thời điểm nào đó ở cuộc đời một cán bộ chứ không phải tất cả.
Tôi thắc mắc là tại sao một bộ phận cán bộ không giữ được đức tính sôi nổi, nhiệt tình, hăng say, tình nguyện như lúc mới nhận nhiệm vụ? Tới một lúc nào đó lại quên đi quá khứ, thì đây là điều không thể chấp nhận.
Nếu có quá khứ tốt thì từng ngày từng giờ phải giữ. Cho nên, có người nói rằng khi về hưu rồi mới biết anh là một con người như thế nào. Vì thế, trên cương vị công tác người cán bộ phải được tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Còn không, người ta chỉ thấy rằng cán bộ mong manh quá.
NĐT: “Quả bom Việt Á” đã khiến nhiều cán bộ như thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền, vậy theo ông thời điểm bây giờ quả bom đó phát nổ có là sự cảnh tỉnh cho việc phát động phòng, chống tham nhũng mới của Đảng, Nhà nước ta? Ông có kỳ vọng về công cuộc này như thế nào?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: “Quả bom Việt Á” lần này là chấn động, có thể nói trong hàng ngũ cán bộ công chức cán bộ hiện có đến 60 người đã vướng vào hình sự. Đây là sự cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị không trừ ngành nào.
Đây là “quả bom” sẽ có sự lan tỏa rất mạnh mẽ ra đội ngũ cán bộ công chức, kể cả đảng viên có chức có quyền, hãy quan tâm, chú ý đến vấn đề này, đừng phút giây nào lơi lỏng sự rèn luyện, nếu lơi lỏng thì hỏng hết.
NĐT: Vậy, theo ông để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, để cán bộ không còn vướng phải những sự việc đau lòng tương tự thì công tác cán bộ cần lưu tâm điều gì?
ĐBQH Vũ Trọng Kim: Theo tôi, phải đánh giá được đội ngũ cán bộ một cách thường xuyên. Công tác cán bộ rất quan trọng, lựa chọn cán bộ, đưa vào vị trí thử thách, phải xem xét, đánh giá lại từng bước, từng bước có bố trí phù hợp. Bên cạnh đó, phải có cơ chế giám sát xung quanh.
Theo tôi thấy, hiện giám sát đang kém, đội ngũ xung quanh để giám sát sợ sệt, không dám nói lên những điều mang tính phản biện mà toàn xuôi chiều, “nịnh trên nạt dưới” nên không thể phát triển được. Vì thế, người cán bộ không tu dưỡng được bởi xung quanh toàn những người nịnh bợ.
Cho nên, hãy mạnh dạn hơn đưa lớp trẻ vào, có sự phấn đấu và theo dõi, nhanh chóng thay thế cán bộ không còn khả năng phấn đấu rèn luyện nữa mà đi theo một thiên hướng khác, thấy có cơ hội là chộp giật…
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Trưa 7/6, thông tin tới báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu cho biết, Quốc hội đã lần lượt thông qua các nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và phê chuẩn cách chức đối với Bộ trưởng Y tế với ông Nguyễn Thanh Long bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Với kết quả này, Quốc hội đã quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Chiều cùng ngày, 100% đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND Tp.Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh do vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thu Huyền - Hoàng Bích