Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 13/11, Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: “Sau khi nghiên cứu báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, về cơ bản, tôi nhất trí với nội dung của báo cáo cũng như những kết quả đã đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Bà Hoa cũng đánh giá: “Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua đó là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp…
Chính phủ cũng đã thẳng thắn đánh giá là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại.
Tuy nhiên, rất tiếc là báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm nay, Chính phủ chưa đưa ra được tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là bao nhiêu để so sánh với chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung số liệu về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng để có cơ sở đánh giá hiệu quả, đồng thời cũng là căn cứ để phấn đấu cho những năm tiếp theo”.
Báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đó là do đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và có quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản. Các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm còn bất cập, gây khó khăn cho việc phát hiện, thu hồi…
Vậy nhưng, theo Đại biểu Võ Thị Như Hoa, ngoài những nguyên nhân trên thì còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác, “đó là do chưa có cơ chế để ngăn chặn dẫn đến đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc”.
Bà Hoa nhấn mạnh: “Chúng ta thiếu cơ chế để ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng nhanh nhất có thể. Đó là các quy định của pháp luật về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời về kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tài sản của các đối tượng liên quan đến tham nhũng được các cơ quan tố tụng thực hiện giống như các đối tượng có liên quan trong các án kinh tế, hình sự, dân sự khác. Trong khi đó, thời hạn và quy trình ở từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thường kéo dài.
Như vậy, các đối tượng liên quan đã biết trước và thường có hành vi tẩu tán, chuyển nhượng tài sản trước khi có quyết định phong tỏa của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vấn đề nữa đó là theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản không được xem là biện pháp ngăn chặn mà được xem là biện pháp cưỡng chế.
Theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự, biện pháp kê biên tài sản để ngăn chặn chuyển dịch tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo. Điều này có nghĩa là việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng sau khi có quyết định khởi tố vụ án.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự thì biện pháp phong tỏa tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội, tức là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Như vậy, để áp dụng 1 trong 2 biện pháp này để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản thì phải trải qua một khoảng thời gian nhất định. Điều này khiến cho đối tượng tham nhũng có đủ thời gian và cơ hội để tẩu tán tài sản. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với số tài sản thất thoát”.
Trên cơ sở phân tích một số nguyên nhân nêu trên, vị Đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng kiến nghị một số giải pháp: “Thứ nhất, cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phát hiện sẽ tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời, ngăn chặn, kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản để kịp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Thứ hai, cần xem xét, bổ sung, áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời tương tự như trên trong quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra.
Thứ ba, cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo bí mật trong quá trình khám phá, điều tra tội phạm tham nhũng. Tránh để lộ, lọt thông tin khiến cho đối tượng tham nhũng phát hiện, đề phòng và tìm cách tẩu tán tài sản. Xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức có hành vi làm lộ, lọt thông tin để đối tượng tham nhũng biết được hoạt động khám phá điều tra tham nhũng của các cơ quan chức năng”.