Các nhà khoa học thuộc viện Môi trường Nông nghiệp (viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã chỉ ra những điều này trong nghiên cứu "Diễn biến môi trường đất lúa vùng ĐBSCL dưới tác động của mặn hóa; thách thức và giải pháp sản xuất lúa bền vững" trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại 1 huyện điển hình" (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.
Thay đổi rõ rệt tính chất đất mặn
Các nghiên cứu đã chỉ ra, do điều kiện tự nhiên và diễn biến bất thường của thời tiết, cộng với những tác động mạnh mẽ của con người đã làm thay đổi rõ rệt tính chất đất mặn vùng ĐBSCl. Số liệu tập hợp từ năm 1975 và nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho thấy, đến năm 2005, diện tích nhóm đất mặn đã tăng lên 177.000 ha.
Kết quả thu thập số liệu giai đoạn 1998 – 2016 về diễn biến môi trường đất mặn cho thấy, các chỉ tiêu về độ mặn như Cl-, TSMT, EC trên đất mặn trồng lúa tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2016, trung bình hàm lượng Cl- tăng 0,11%, hàm lượng TSMT tăng 0,39%, hàm lượng EC tăng 0,79% so với giai đoạn 1998 – 2002. Như vậy cùng với sự tăng lên về diện tích đất mặn, đất trồng lúa nói chung của vùng ĐBSCL cũng có xu hướng mặn hơn. Đến tháng 4/2016 ĐBSCL đã có 193.000 ha đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi mặn.
Nguyên nhân là do tác động của BĐKH và một phần do điều tiết tài nguyên nước trong vùng. Lũ lụt khiến nước biển dâng ngập mặn các vùng ven biển, hạn hán liên tục lại khiến các mạch nước ngầm hoạt động mạnh, tạo điều kiện để muối leo lên các tầng đất phía trên. Ngoài ra, mực nước sông Cửu Long giảm sâu vào mùa khô càng làm gia tăng độ mặn và tái nhiễm mạn ở một số vùng đất. Độ mặn tăng kéo theo độ chua giảm (pH tăng) qua quá trình sử dụng.
Theo cơ cấu cây trồng, các chỉ tiêu độ mặn như Cl-, TSMT cao nhất ở đất lúa 1 vụ và tập trung ở lưu vực sông Vàm Cỏ, nơi có độ mặn 4%o xâm nhập vào đất liền xa nhất, khoảng 90 – 95km. Theo dõi diễn biến các chỉ tiêu độ mặn của lúa theo cơ cấu cho thấy, độ mặn của đất lúa 1 vụ tăng lên nhiều so với thời kỳ năm 2006 chủ yếu do mở rộng canh tác kết hợp lúa – tôm. Diện tích này chủ yếu ở huyện Cái Nước, cà Mau. Với đất trồng lúa 2 vu, 3 vụ, các chỉ tiêu độ mặn có xu hướng giảm, riêng đất lúa 3 vụ thấp nhất do vùng này có đê bao ngăn mặn khép kín.
Về các chỉ tiêu dinh dưỡng, đến năm 2016, hàm lượng Kali tổng số trung bình của đất trồng lúa toàn vùng là 1,1%, vẫn nằm trong khoảng giới hạn cho năng suất lúa cao. Các nhà khoa học khuyến cáo, năng suất sẽ bị ảnh hưởng nếu nếu Kali tiếp tục giảm xuống dưới 0,9% và cần có những giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Kết quả phân tích cũng cho thấy, hàm lượng các cation trao đổi như Ca2+, Mg2+, K+, Na+ đều giảm so với cách đây 10 năm, do bị rửa trôi khi người dân rửa mặn.
Các nhóm giải pháp trọng tâm
Từ kết quả nghiên cứu tình trạng mặn hóa đất và những tác động tiêu cực tại ĐBSCl – vựa lúa của cả nước, các nhà khoa học khuyến nghị cần có các nhóm giải pháp tổng thể hạn chế tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Nhóm giải pháp quy hoạch chủ yếu xây dựng bản đồ nhiễm mặn và dự báo nhiễm mặn cho toàn vùng ĐBSCL, quy hoạch lại hệ thống sản xuất nông nghiệp liên vùng một cách khoa học và có độ tin cậy cao, (đặc biệt là phân định các khu vực sản xuất lúa với nuôi tôm) song song với quy hoạch và xây dựng lại hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, cần xem xét quy hoạch lại hệ thống đê bao ngăn mặn khu vực ven biển tại bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phù hợp với sản xuất hiện nay; xem xét quy hoạch hệ thống hồ chứa nước ngọt (khoảng 3-5% diện tích toàn vùng).
Về các giải pháp thủy lợi và công trình, cần nghiên cứu đầu tư hệ thống trạm bơm lưu động, cơ động nhằm chống hạn mặn ở các vùng có nguy cơ cao. Vùng có nguy cơ suy thoái do nhiễm mặn vào mùa khô sẽ xây dựng các đập ngăn mặn và tích nước. Khu vực đất trồng lúa tiếp giáp vùng nuôi trồng thủy sản cần xây dựng các kênh ngăn mặn, hệ thống tưới tiêu hợp lý với điều kiện sản xuất.
Đối với nhóm giải pháp kỹ thuật canh tác, cần nghiên cứu hoàn thiên quy trình canh tác cho cây trồng chính trên từng loại đất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với những thay đổi về đất đai, khí hậu trong vùng. Phát triển các mô hình canh tác lúa thông minh, giảm chi phí, tiết kiệm nước tưới và giảm phát thải khí nhà kính… Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phân bón công nghệ cao, có chức năng cải tạo đất trồng lúa bị suy thoái.
Về mặt quản lý và chính sách, công tác quản lý trong sản xuất nông nghiệp cần tuân thủ các quy hoạch, định hướng của Nhà nước nước đảm bảo để không bị tác động lẫn nhau và với các hoạt động sản xuất khác. Ưu tiên các giải pháp khoa học kỹ thuật và nghiên cứu phát triển các giống lúa chịu mặn, phèn, hạn đáp ứng yêu cầu sản xuất ở các vùng đất bị suy thoái, phục hồi đất trồng… Chính quyền và các Bộ ngành cần có những giải pháp hỗ trợ kinh phí, khoa học kĩ thuật và hạ tầng cho những vấn đề này.
Theo Trung Nguyên (Báo Tài nguyên & Môi trường)