Đeo khẩu tra nơi công cộng
Tại tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, dịch Covid-19 đang tăng trở lại trên cả nước. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác...
Phối hợp Sở Y tế thúc đẩy công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao; chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, để phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ tại địa phương; thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, các sự kiện lễ hội, đặc biệt và dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu yêu cầu đề ra; rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Tăng cường giám sát tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tính từ ngày 1/1 đến 18h ngày 20/4, toàn tỉnh ghi nhận 35 trường hợp mắc Covid-19 và 7 trường hợp nghi nhiễm mới chờ Bộ Y tế công bố.
Tại tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh này vừa có cuộc họp kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu rà soát các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng khi có tình huống dịch xảy ra; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao cảnh giác của người dân về dịch Covid-19, khử khuẩn, đeo khẩu trang theo khuyến cáo của Bộ Y tế…
Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh
Tại Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo Sở Y tế thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn tỉnh để chủ động chỉ đạo khoanh vùng, cách ly và dập dịch. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến bất thường có thể xảy ra trên địa bàn.
Cạnh đó, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. Đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trong thời gian tới…
Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh này đã có công văn gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp UBND các huyện và thành phố thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Đồng thời, chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tại Tp.Cần Thơ, Sở Y tế Cần Thơ vừa ban hành Phương án ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục biến đổi, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, tất cả các cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện đảm bảo thực hiện hai chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường...
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế...
Đồng thời, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp người đến khám tại các bệnh viện, người bệnh nội trú, nhân viên y tế có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19; tổ chức quản lý, chăm sóc tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ…
Theo Sở Y tế Cần Thơ, Thành phố này chủ động xây dựng các hoạt động đáp ứng và dự phòng cơ bản được thực hiện ở cả hai tình huống. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan.
Thanh Lâm