Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch ứng phó với lũ, triều cường bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian xuất hiện mực nước từ báo động 3 trở lên bắt đầu từ tháng 9, cao điểm vào tháng 10, tháng 11 có khả năng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập vào miền trung gây mưa ở lưu vực sông Mekong kết hợp với triều cường gây ngập úng ở vùng ven sông, vùng trũng thấp, dự báo mực nước cao nhất năm tại Mỹ Thuận đạt khoảng 2,1m, Cần Thơ đạt khoảng 2,2m.
Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch ứng phó với mưa, lũ, triều cường bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh tỉnh Vĩnh Long.
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu bảo đảm sản xuất cho 64.394ha cây lâu năm, cho hơn 41 nghìn ha lúa thu đông 2022, gần 30 nghìn ha rau màu vụ hè thu, mùa đã xuống giống; cùng với 254ha ao, hầm đang thả nuôi thủy sản; đồng thời bảo đảm thu hoạch an toàn sức khỏe của người dân, tránh xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ, giúp dân ứng phó với lũ, triều cường và sự cố thiên tai trong mùa lũ.
Để ứng phó, tỉnh có kế hoạch xây dựng 2 kịch bản lũ, triều cường xảy ra trên địa bàn tỉnh. Kịch bản 1 là trường hợp lũ nhỏ, triều cường ở mức thấp đến xấp xỉ báo động 3; Kịch bản thứ 2 là trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động 3 với mực nước tương đương đỉnh triều lịch sử năm 2019, cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp 2.
Nếu lũ, triều cường rơi vào kịch bản 2, tỉnh Vĩnh Long sẽ có 66 vùng kém an toàn với diện tích khoảng 22.570ha…
UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống lũ, triều cường có hiệu quả.
Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Tại Tp.Cần Thơ, do ảnh hưởng của đợt triều cường, nhiều tuyến đường ở thành phố bị ngập do nước sông dâng cao. Nhiều tuyến đường nội ô Thành phố này như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ,… bị ngập nước, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tp.Cần Thơ, trong tháng 10 và tháng 11, triều cường sẽ tiếp tục xuất hiện vào những ngày đầu và giữa tháng với mực nước cao hơn báo động III từ 0,1-0,2m. Khi triều lên, nếu thời tiết có mưa to, tình trạng ngập sẽ nghiêm trọng, nhất là các khu vực trũng thấp, ven sông rạch,...
Thanh Lâm