Nâng cao nhận thức
Để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường nhằm hạn chế những tác hại do BĐKH gây ra, theo các chuyên gia, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng là quan trọng nhất. “Chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về BĐKH là gì, cái gì là BĐKH do con người gây ra... Có như vậy chúng ta mới có cách để giảm thiểu tác hại của BĐKH. Chính bản thân từng người có cách giảm thiểu thì họ sẽ có cách ứng phó tốt với BĐKH”, TS Kỷ Quang Vinh, chánh văn phòng công tác BĐKH Cần Thơ, cho biết.
Nhiều công trình thủy lợi đang được xây dựng nhằm ngăn mặn và chống sạt lở.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, theo ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, “cần phải tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức về BĐKH, đặc biệt là các khu vực ven biển, để người dân thích nghi với thiên tai. Song song đó, chúng ta cũng cần tổ chức những thông tin dự báo nhanh, kịp thời, chính xác đến người dân. Điều quan trọng là chúng ta phải chú trọng đến các kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng trong cơ sở”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đến nay nhận thức của một bộ phận dân cư về tác hại của BĐKH vẫn thấp và vẫn thờ ơ với những hành động làm gia tăng sự biến đổi của khí hậu như: chặt phá rừng, sử dụng nguồn tài nguyên không hợp lý, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước ngầm đang có nguy cơ cạn kiệt rất cao.
Làm từ việc nhỏ
Theo đó, tỉnh Bến Tre đã và đang thực hiện một số dự án thủy lợi quan trọng, trong đó dự án Bắc Bến Tre được thực hiện trong phạm vi 5 huyện gồm Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre với quy mô phục vụ cho 130.000 ha đất sản xuất và hơn 100.000 hộ gia đình sinh sống (chiếm hơn 50% dân số của tỉnh). Đồng thời, tỉnh cũng lập nhiều dự án ngăn mặn cục bộ và làm nhiều dự án nhỏ để thực hiện chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. “Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những công trình thủy lợi lớn và chương trình trồng rừng ven biển. Tuy đây chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng về lâu dài đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất”, ông Lê Phong Hải, Giám đốc sở NN - PTNT Bến Tre, cho biết.
Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã lập dự án nâng cấp đê Biển Đông theo quyết định 667 của Thủ Tướng chính phủ; đồng thời trong năm 2013 này, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng đê ngăn triều cường gây ngập úng cho thành phố Bạc Liêu. Bên cạnh đó, để hạn chế xâm nhập mặn, tỉnh sẽ thành lập bộ phận quản lý dự án hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp để các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng cùng phối hợp vận hành và quản lý các cống ngăn mặn. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở ven biển, tỉnh đang thực hiện “đê mềm” chống xói lở: trồng rừng dọc đê biển để chắn sóng, gây bồi tạo bãi.
“Chúng ta không chủ trương làm những công trình lớn mà chúng ta làm những công trình ở quy mô nhỏ, cấp phường xã, địa phương, cấp gia đình. Những công trình này không tốn kém nhiều, nhưng lại đem hiệu quả lớn về dẫn nước và thoát nước tốt. Ngoài ra, việc xây đập, đê trong tương lai cũng phải nghĩ tới, tuy nhiên đây phải là biện pháp toàn vùng, để địa phương này làm không ảnh hưởng đến đến địa phương kia” - ông Kỷ Quang Vinh nói.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay để thực hiện đồng bộ thích ứng với BĐKH là nguồn kinh phí. Bởi theo ông Vinh, hiện chỉ có mỗi nguồn tài chính cho Ban chỉ đạo Trung ương về ứng phó với BĐKH, còn riêng ở địa phương thì chưa có nguồn tài chính hàng năm. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đang phải dựa vào chương trình mục tiêu quốc gia. “Do đó, trong tương lai, chúng ta cần phải có một cơ quan nhà nước chuyên trách về BĐKH và có nguồn ngân sách cho nó. BĐKH liên quan đến tất cả các ngành nghề, cho nên không thể nào là một việc kiêm nhiệm mà việc kiêm nhiệm thì không thể hoàn thành với hiệu quả như mong muốn được”, ông Vinh nói.
Theo Báo tin tức