Phát biểu tại hội thảo Điều trị Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, cục Trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, dự án dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một dự án mang tính đột phá. Đặc biệt đem đến khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 92%.
Ở năm thứ 2 triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), Việt Nam đã nhân rộng mô hình này ra 27 tỉnh thành và có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng được những nhu cầu mà nhóm người sử dụng đích mong muốn.
Điểm đột phá ở dự án này là việc nhân rộng chương trình PrEP nhờ tích hợp các dịch vụ ở cả phòng khám công và tư. Điều này giúp điều chỉnh dịch vụ một cách phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu của cộng đồng và năng lực cung cấp PrEP tại các cơ sở y tế công lập hoặc dân lập.
Đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bà Phan Thị Thu Hương, phó Cục trưởng, cục phòng chống HIV/AIDS nhận định: “Chúng tôi đã áp dụng linh hoạt những giải pháp để đảm bảo nhóm đích vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ HIV như PrEP”.
Cụ thể, các bài học về giãn cách xã hội cũng đã được học hỏi triệt để. Cục phòng, chống HIV/AIDS đã cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đồng thời cũng lấy mẫu xét nghiệm và giao thuốc tận nhà.
Tại các địa phương, vẫn xuất hiện những khoảng trống trong việc cung cấp PrEP cũng như các dịch vụ liên quan đến HIV khác cho các nhóm người dùng tại Hà Nội. Chính vì vậy, tại quận Tây Hồ, các phòng khám ngoại trú đã kết hợp với USAID/PATH Healthy Markets trong nhiều năm để có thể cung cấp các dịch vụ y tế trong cộng đồng.
“Với sự hỗ trợ này, chúng tôi đã trở thành một điểm đến an toàn cho các nhóm người dùng đích tại Hà Nội”, bác sĩ Nguyễn Loan, trưởng phòng khám ngoại trú Hà Nội cho hay.
Lê Trà