Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại xã hội lại mất lòng tin vào bộ GD&ĐT

Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại xã hội lại mất lòng tin vào bộ GD&ĐT

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 3, 14/11/2017 11:02

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ đề án mới đây của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì vẫn còn đó những lo lắng trước đề xuất chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ.

Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ “Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025”. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là một chủ trương tốt nhưng cần phải có kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, nói “không” với luận án chất lượng thấp.

GS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, việc đào tạo được 9.000 tiến sĩ có thể mất một thời gian dài.

Giáo dục - Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại xã hội lại mất lòng tin vào bộ GD&ĐT

GS.TS Đặng Quốc Bảo. (Ảnh internet).

“Những người được chọn đi học phải có thực lực và học thật, mang lại kết quả thật. Chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian thậm chí là tốn kém thêm kinh phí nhưng kết quả phải thực chất. Những người thầy này cũng phải hết sức tâm huyết vì học sinh. Nếu nhìn lại quá khứ, những người thầy của khoảng 60 về trước, họ không hề có học vị tiến sĩ nhưng lại đào tạo ra biết bao thế hệ danh tiếng làm nên tên tuổi cho đất nước”, ông Bảo nói.

“Lần này, chúng ta hãy mạnh tay và kiên quyết, đừng vì “nể nang” để rồi kéo theo hệ lụy lớn. Nếu không khéo sẽ đào tạo ra những tiến sĩ giấy, việc này là rất nguy hại”, ông Bảo nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng đại học Sư phạm Thái Nguyên kỳ vọng: “Cái hay của Đề án này có 3 ý: Thứ nhất, gửi đi nước ngoài đào tạo; thứ hai, đào tạo tại các cơ sở đã được kiểm định trong nước; thứ ba, thu hút tiến sĩ từ nước ngoài về giảng dạy trong nước. Trình độ của tiến sĩ là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của các trường đại học. Từ những tiến sĩ giỏi sẽ đào tạo ra sinh viên giỏi, những công trình khoa học tốt… Nếu chúng ta thực hiện tốt Đề án này sẽ đảm bảo được nhân lực lao động cho bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra”.

Giáo dục - Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại xã hội lại mất lòng tin vào bộ GD&ĐT (Hình 2).

PGS.TS Phạm Hồng Quang.

“Tuy nhiên khi triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là nguồn tuyển, phải chọn những người có năng lực khoa học, trình độ ngoại ngữ tốt. Nếu lựa chọn không đảm bảo được nguyên tắc công bằng, đúng người tài thì sẽ có hệ quả như câu chuyện “tiến sĩ giấy” hay được mọi người nhắc tới. Tiếp theo, về việc đào tạo trong nước phải lựa chọn một số cơ sở đào tạo đã được kiểm định, đây là tiêu chuẩn mới. Đề án 911 (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020) chưa có yếu tố này, nên việc đào tạo vấp phải nhiều ý kiến của chuyên gia”, ông Quang nói.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) không bất ngờ trước những lo ngại của xã hội về chuyện “tiến sĩ giấy”. Theo ông, thời gian qua, câu chuyện về những lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ "siêu tốc", tiến sĩ dỏm... cả ở trong và ngoài nước gây bàng hoàng, mất niềm tin trong dư luận.

"Đào tạo tiến sĩ trong nước đang có nhiều bất cập như cơ sở vật chất hạn chế, số lượng người hướng dẫn không đủ, uy tín của nơi đào tạo không đảm bảo, chất lượng đào tạo kém. Ngoài ra, công tác đào tạo, quản lý còn qua loa, dễ dãi, dường như bộ GD&ĐT vẫn còn “nhẹ tay””, ông Khuyến nói.

Ông Khuyến cũng cho rằng, việc đào tạo ở nước ngoài rất tốn kém, nên thực hiện cần nghiên cứu kỹ để khi trở về, họ có thể phục vụ đất nước như mục tiêu được đặt ra. “Thực tế, một số ứng viên đi học ở nước ngoài không đáp ứng và theo được chương trình đào tạo, phải về nước sớm. Như vậy, số tiền tiêu tốn của Nhà nước rất lớn”, ông e ngại.

Cuối cùng, ông Khuyến cho rằng: “Việc chi 12.000 tỷ đồng cho Đề án này đều do người dân và con em của họ sau này phải đóng thuế để trả nợ chứ không phải tiền cho không. Nếu bộ GD&ĐT không thực hiện được Đề án, chi tiêu không đúng thì sẽ khiến xã hội mất lòng tin. Thực tế, bộ GD&ĐT đã từng có những đề án chưa tốt như Đề án Ngoại ngữ 2020, Đề án mô hình trường học mới VNEN... tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả cao”.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.