Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhân mắc xương khớp lại phải đối mặt với những cơn đau hành hạ. Vì thế, để “cắt cơn đau” nhanh, nhiều bệnh nhân lại tự đi mua thuốc về điều trị. Thậm chí, có những bệnh nhân tin hoàn toàn vào dược sĩ, uống thuốc không theo đơn.
Bà Nguyễn Thị Lê (Thịnh Liệt, Hà Nội) cho biết, bắt đầu thời tiết lạnh, mu bàn chân của bác bị sưng tấy, đau không đi được. Cách đây 1 năm, bà Lê đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán bị đau cơ xương khớp và uống theo đơn thuốc các bác sĩ kê và không còn đau nhức nữa.
“Vừa chớm lạnh, chân tôi lại sưng tấy trở lại. Tôi nghĩ rằng bệnh cũ tái phát nên ra hiệu thuốc gần nhà kể triệu chứng bệnh và mua thuốc mới. Thế nhưng, sau một tuần, cả hai chân tôi bỗng dưng co cứng (như chuột rút).
Tôi quay lại hiệu thuốc hỏi thì họ tiếp tục kê thêm thuốc về uống. Người bán đưa tôi 5-6 loại thuốc nhưng không một loại thuốc nào có kèm tờ tác dụng của thuốc”, bà Lê kể.
Bác Lê nói cho biết, người bán dặn phải uống lâu dài mới chữa khỏi dứt điểm. Thế nhưng, cứ uống thuốc thì giảm đơn đau, hôm nào quên thuốc thì đau đớn hơn rất nhiều lần. Cuối cùng, bà Lê phải tạm dừng đơn thuốc và đến Bệnh viện Bạch Mai khám.
Tại đây, các bác sĩ cho hay, những loại thuốc mà dược sĩ kia kê không phải là thuốc đặc trị, mà là thuốc bổ kết hợp với thuốc giảm đau. Nếu uống lâu dài sẽ bị lệ thuộc vào thuốc. Nếu cứ lạm dụng thuốc sẽ nguy hiểm đến sức khỏe.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ riêng bà Lê mà đã có không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tay chân sưng phù, tím đen, các ngón tay mất cảm giác, không cử động được do lạm dụng thuốc chữa khớp.
Bác sĩ Bùi Nguyên Kiểm, nguyên trưởng khoa Nội II, BV Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, ông đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện bị cưa tay, tàn phế vì tự ý sử dụng thuốc chữa giãn cơ, viêm khớp.
Thời tiết lạnh khiến bệnh viêm khớp, thoái hoá khớp tiến triển. Nhiệt độ giảm gây co các mạch máu ngoại vi, giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp, gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng...
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Nếu không điều trị đúng cách bệnh viêm khớp, rất có thể dẫn đến các hậu quả như bị cứng các khớp, ngón tay co quắp lại, không cầm nắm được, tay không thể giơ lên cao, ngón chân bị trẹo ra ngoài, rất đau đớn... Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tàn phế.
Các bác sĩ khuyên, khi mới bị đau gọi là đau nhức mình nhức mẩy trước tiên người bệnh nên áp dụng phương pháp xoa bóp (có thể dùng dầu nóng, dầu xoa, kem bôi ngoài trị đau nhức).
Bên cạnh việc xoa bóp có thể dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm mua không cần đơn như paracetamol, indomethacin để trị đau. Khi dùng hai cách này một thời gian không cải thiện thì nên đi khám bệnh.
Bác sĩ khám trực tiếp, xác định nguyên nhân gây đau sẽ cho hướng xử trí thích hợp. Không nên tự ý dùng loại thuốc kê đơn như thuốc giãn cơ được đề cập ở trên vì thuốc này đòi hỏi phải có bác sĩ chỉ định, theo dõi sử dụng để ngăn ngừa các tai biến có thể xảy ra.
Vân An