Nhiều cải cách, đổi mới cùng với sự quan tâm của các cấp quản lý cũng không làm giảm sức nóng của những “cơn sóng ngầm” này.
Đầu tháng 8/2022, phụ huynh học sinh một trường tiểu học tại Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An đăng tải lên trang Facebook cá nhân chia sẻ về việc Hội phụ huynh lớp 1 kêu gọi đóng góp số tiền 300.000 đồng, “ai đóng nhiều hơn càng tốt” để chọn giáo viên chủ nhiệm tốt cho con. Đề xuất này đã nhận được sự đồng ý của 21 phụ huynh, trong đó có 3 phụ huynh đã đóng tiền.
Câu chuyện có lẽ sẽ không ai biết đến nếu như đại diện hội phụ huynh lớp kia không chặn tin nhắn phản đối của một số phụ huynh học sinh khác trong lớp. Sự tranh luận, phản đối bị chặn lại đã tạo ra bức xúc. Và thông tin tràn ra trên mạng xã hội, khuấy động những comments (bình luận - PV), tất nhiên là cả đồng tình và phản đối việc “chạy” chọn giáo viên.
Là một người mẹ, tôi cũng muốn con mình được học môi trường tốt để đạt kết quả cao nhất có thể. Thế nhưng, việc phụ huynh kêu gọi góp tiền để chọn giáo viên liệu có thực sự cần thiết hay không? Tệ hơn, vì sao nó lại cần thiết?
Bên cạnh đó, tôi cũng tự đặt câu hỏi, giáo viên thế nào là tốt? thế nào là không tốt? tiêu chí nào để phụ huynh đánh giá? Việc sắp xếp lớp, bố trí giáo viên là nhiệm vụ của nhà trường, được thực hiện theo quy định, hướng dẫn. Tại sao các vị phụ huynh lại muốn “gánh vác” việc đó thay nhà trường? Họ thiếu niềm tin ở một sự lựa chọn, hay thừa niềm tin về một sự ưu tiên nào đó? Cả hai phía, chắc hẳn đều không phải là điều xã hội kỳ vọng vào hệ thống giáo dục và có lẽ cũng không phải là mong muốn của những người điều hành ngành giáo dục.
Đa số phụ huynh chọn trường, chọn lớp đang theo “danh tiếng từ dư luận” mà không quan tâm đến khả năng của con. Điều này đã gây nên những áp lực không nhỏ cho con trẻ khi phải “học ngày học đêm” để theo kịp các bạn. Đồng thời, nó cũng tạo sức ép lớn đến giáo viên và cán bộ quản lý của ngành; là một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra những bức bối trong ngành giáo dục.
Nạn chạy trường, chạy lớp, chạy giáo viên cũng làm tổn hại niềm tin của xã hội vào giáo dục; ảnh hưởng hình ảnh thầy cô giáo trong mắt học sinh.
Để vấn nạn này không còn nhức nhối trong dư luận, ngành giáo dục cần có những giải pháp mang tính bền vững. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần được đầu tư công bằng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho mọi học sinh; Cần công khai, minh bạch quy trình, quy chế tuyển sinh, xếp lớp; Nghiêm cấm tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường, các lớp; Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và áp dụng theo luật để xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm.
Và một điều quan trọng không kém, các vị phụ huynh hãy cùng nhau tạo nên một môi trường giáo dục thực sự trong sạch và không có tiêu cực. Bởi đó mới chính là môi trường giáo dục tốt nhất!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.