Ở rể và nỗi khổ của những bà vợ
Chuyện không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng giữa mẹ vợ và anh Thanh khiến chị Hậu trở thành người khổ tâm nhất. Ngày nào cũng vậy, sau giờ tan sở về nhà, chị lại nghe mẹ mình phàn nàn về sự “vô ý vô tứ” của con rể, còn chồng chị cũng “tận dụng” thời gian trước khi ngủ của hai vợ chồng để “kể tội” mẹ vợ.
“Chồng tôi tính vô tâm lại không khéo ăn khéo nói nên hay khiến mẹ tôi phật ý. Còn mẹ tôi thì kỹ tính, thương con gái nhưng lại hay kêu ca. Thấy mấy chị hàng xóm khoe được chồng mua cho đồ nọ thức kia là mẹ tôi lại cho rằng, anh là người keo kiệt, không biết chiều vợ con. Chồng tôi thì cũng hay chê bai, thấy món mẹ nấu không vừa miệng là nhăn mày nhăn mặt, thuộc dạng ruột để ngoài da. Ai cũng bảo ở với bố mẹ đẻ là nhất, nhưng tôi nhiều khi rất khó xử. Là người đứng giữa hiểu cả hai bên nhưng nhiều lúc chẳng biết làm sao, mệt mỏi vô cùng”, chị Hậu thổ lộ.
Chị Hậu cho biết thêm, chồng chị dần chán nản ở nhà vợ, đi tối ngày, từ bao giờ, anh đã lăng nhăng, gái gú bên ngoài. “Cho đến ngày tôi phát hiện, anh không nói không rằng, anh bảo tôi muốn chia tay thì chia tay, tùy tôi. Sống ở nhà này, anh cảm thấy như địa ngục, không phải gia đình nên anh muốn tìm sự thanh thản nơi khác, không phải là nơi này. Anh muốn tự do, muốn bay nhảy, đàn ông như anh không thể chịu kiếp hèn, để người khác khinh thường và nhất là bố mẹ vợ khinh thường thì càng không nên. Anh bảo, nếu ra ở riêng, anh sẽ xem xét lại, còn không, anh cứ sống vậy, tôi muốn bỏ anh thì bỏ, anh cũng chẳng thiết gì nữa”, chị Hậu trải lòng.
Lần gần đây nhất, anh Thanh xin phép bố mẹ vợ đi uống bia với bạn, mẹ vợ nhắc anh về trước 23h vì trời lạnh, bà không thức khuya đợi được. Nhưng mãi 1h sáng anh Thanh mới về và bị mẹ vợ phàn nàn đôi ba câu, thế là anh đùng đùng lên phòng đóng sập cửa. "Mai tôi ra ngoài ở, cô muốn thì theo, không thì viết đơn ly dị luôn”, anh nói với vợ.
“Tôi cũng chẳng phải người khó khăn gì, cũng hiểu rằng có tốt với con rể thì con gái mình sẽ vui vẻ hạnh phúc và mới có thể giữ vợ chồng tụi nó ở lâu cùng mình. Nhưng nhiều khi nhịn không được bởi cái tính nói mà không suy nghĩ của con rể. Tôi ở nhà biết bao nhiêu việc, quần áo hai vợ chồng nó cũng là tôi thu dọn đem giặt. Phòng riêng thì bừa bộn, tất bẩn để cả trên bàn trang điểm, đồ ăn dùng xong không gói ghém cẩn thận để kiến bu đen, sáng nào tôi cũng mất cả tiếng dọn cho chúng. Nhắc nhở thì con rể cau mày tỏ vẻ khó chịu. Bữa ăn 10 bữa thì 9 bữa chàng rể chê ủng chê eo. Thử hỏi ai mà không phật ý cho được”, bà Hạnh, mẹ vợ anh Thanh bày tỏ.
Để chuyện ở rể chẳng còn là áp lực
Kinh nghiệm 3 năm ở rể, anh Nam cho biết, tâm lý của nhiều người đàn ông cho rằng ở rể sẽ bị coi thường, bị “lép vế” và chịu thiệt trong các vấn đề của cuộc sống. Chính suy nghĩ này cũng là trở ngại tâm lý trong việc hòa nhập với gia đình nhà vợ.
“Ở rể hay làm dâu đều cần sự khéo léo trong cách ứng xử. Nếu coi đấy là tổ ấm của mình để vun đắp thì mọi chuyện sẽ khác. Cá nhân tôi, hơn 3 năm sống cùng bố mẹ vợ tôi thấy rất thoải mái.
Thậm chí đi công tác xa là nhớ nhà lắm, nhớ những bữa cơm mẹ vợ nấu, nhớ không khí vui vẻ đầm ấm. Tất nhiên, mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp của nhiều phía. Nhưng bản thân mình hãy cho đi trước khi yêu cầu nhận lại.
Hãy chứng tỏ mình là thành viên trong gia đình qua sự quan tâm đến công việc nhà, giúp đỡ bố mẹ vợ những việc nhà; Vợ chồng nếu xảy ra mâu thuẫn thì nên góp ý nhẹ nhàng với nhau trên tinh thần thiện chí, không nên nhắc đến những vấn đề nhạy cảm của nhà vợ trong lúc tức giận. Khi có quyết định quan trọng và ảnh hưởng đến cả gia đình, nên hỏi ý kiến mọi người trước khi thực hiện.
Hãy biết dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, yêu thương và quý trọng các thành viên trong gia đình vợ. Thỉnh thoảng mua những món quà nho nhỏ tặng bố mẹ vợ, đưa ông bà đi ăn bên ngoài vào dịp cuối tuần, hoặc chí ít cũng xuống bếp giúp đỡ bố mẹ.
Sống ở đâu cũng vậy, nếu bạn biết quan tâm, biết cư xử, biết tôn trọng người khác thì mình cũng sẽ nhận được những điều tương tự như vậy”, anh Nam chia sẻ.
Thanh Quý