Hiện nay, vẫn còn không ít gia đình không thực sự tìm thấy hạnh phúc, chỉ bởi, bố mẹ luôn muốn áp đặt tư tưởng, suy nghĩ và thậm chí là ước mơ của mình lên con cái. Có những bố mẹ không làm được một công việc nào đó mà họ ao ước, thế là họ muốn con mình theo nghề đó, nối tiếp ước mơ dang dở của họ!
Rất nhiều câu chuyện chỉ vì bố mẹ mong mỏi con trở thành bác sĩ, giáo viên theo mong muốn chủ quan của bố mẹ mà khiến con trẻ phải khép lại giấc mơ của bản thân với những thế mạnh, những đam mê. Tôi từng bắt gặp một cậu học sinh lớp 12 với mong mỏi được học tập trong môi trường kỹ thuật, nhưng chỉ vì bố mẹ muốn cậu ấy thi ngành y, nên cuối cùng, cậu phải bỏ lỡ một năm, vì không đủ điểm. Đến năm sau, khi được thi lại vào trường đại học Bách khoa Hà Nội, có lẽ vì niềm yêu thích nên cậu ấy đã đỗ với số điểm rất cao.
Có những điều mà bố mẹ tưởng rằng sẽ tốt cho tương lai của con nhưng thực sự lại “giết chết” những tài năng. Chính vì vậy mới có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, lại tiếp tục học một ngành khác hoặc đi làm trái ngành.
Đó mới chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh màu xám này. Nhiều trường hợp, chỉ vì phải sống, phải học và phô diễn tài năng theo ý muốn của bố mẹ mà phải đánh đổi rất nhiều.
Cách đây vài năm, tôi từng đến gặp một bé khiếm thị với khả năng âm nhạc đặc biệt, nhìn lịch học văn hóa, học thanh nhạc, học nhạc cụ và lịch biểu diễn dày đặc, tôi tưởng như cô bé không còn thời gian để thở. Ấy vậy, mỗi khi trả lời phỏng vấn về thời gian biểu của mình, có mẹ ngồi bên cạnh, cô bé sau chút ngập ngừng, đều trả lời là do yêu thích nên mới tiếp cận với âm nhạc và có lịch trình “kín mít” đến vậy.
Cứ như vậy, cô bé sẽ dần đánh mất những khoảng thời gian hồn nhiên đáng lẽ phải được trải nghiệm.
Có những gia đình chỉ vì các con học hành không thuận lợi mà dẫn đến “xô bát xô đũa”. Có lẽ, những người làm bố mẹ ấy chỉ dường như chưa hiểu được khả năng của con mình, đôi khi, vấn đề sức khỏe cũng chưa được quan tâm đúng mực.
Bác sĩ nhi Chen Murong (Đài Loan) từng chia sẻ trong chương trình “Câu chuyện thầy thuốc” về một trường hợp anh tiếp nhận vào cuối tháng 2/2021: Sau khi hết giờ trực, anh chuẩn bị về nhà thì thấy xe cấp cứu chạy thẳng vào cổng bệnh viện. Một cặp vợ chồng đưa con gái 11 tuổi đến và nói rằng cô bé bị đau đầu lúc 22h. Bố mẹ không nghĩ nhiều, chỉ bảo rằng học bài cho xong rồi đi ngủ. Sau đó, bố của cô bé thức dậy lúc 2h sáng, thấy đèn trong phòng con gái sáng, vào phòng thì thấy con gái gục xuống bàn học, không còn hơi thở và nhịp tim.
Vài ngày sau, người mẹ đến bệnh viện xin gặp riêng bác sĩ Chen để nói lời cảm ơn. Người mẹ cho biết, trong lúc dọn dẹp đồ của con gái đã bắt gặp những dòng chữ nắn nót trong cuốn sổ nhật ký. Có lẽ, đây là những dòng viết vội khi nghỉ ngơi, bởi thời gian con đi học chính khóa, đi học thêm rất nhiều. Cô bé ước mình được đi công viên chơi cùng bố mẹ, ước được một ngày không phải cầm đến sách vở, nhưng cô bé cũng tự an ủi trong nhật ký rằng, nếu không học hành chăm chỉ thì mẹ sẽ rất buồn...
Gần đây nhất cũng xảy ra một vụ việc đau lòng trong quan hệ gia đình tại Hải Phòng. Khi người cha dạy dỗ con vì thiếu kiềm chế nên đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết gây ra cái chết cho con. Nguyên nhân là do con trai bỏ thi giữa kỳ và người bố trong lúc tức giận đã dùng đũa chọc vào ngực con.
Trước đó, khoảng đầu năm 2018, một nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Hồ Chí Minh) đã tự tử bằng cách gieo mình từ tầng cao, để lại những lá thư tuyệt mệnh nói lý do tự tử vì không học giỏi, không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ,. Vụ việc khiến nhiều người bàng hoàng. Nhưng, đó cũng không phải là sự việc đau lòng duy nhất diễn ra.
Thực tế, vẫn còn không ít trẻ em có cuộc sống đầy áp lực trong sự kỳ vọng của bố mẹ. Nào là, học phải giỏi (hơn con nhà hàng xóm), phải điểm cao, phải vào được trường chuyên lớp chọn, phải đỗ đại học, phải học những ngành được xã hội đánh giá cao, trọng vọng như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư…
Những đứa trẻ ấy đang phải trải qua tuổi thơ đầy bất hạnh khi hết học ở trường lại phải đi học thêm, hết học văn hóa lại đến ngoại ngữ, nghệ thuật, năng khiếu... quanh năm suốt tháng học, không có thời gian nghỉ, không có mùa hè, chỉ vì bố mẹ muốn con mình trở thành một con người hoàn hảo, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi!
Một trong những lý do khiến các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển,... luôn luôn nằm trong “top” những quốc gia hạnh phúc nhất, hay người dân cảm thấy hạnh phúc nhất, là vì đời sống tại các quốc gia này không quá căng thẳng, con người không phải chịu nhiều sức ép.
Chúng ta luôn tự hào vì sẵn sàng hy sinh tất cả cho con, nhưng lại trở nên sai lầm khi đặt lên con quá nhiều kỳ vọng.
Hãy để những đứa trẻ được sống cuộc đời của chính mình!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Hạ Trúc