8 đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa hoàn tất kiểm tra việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc.
Cấp phép lụi
Tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy từ ngày 01/7/2011 (Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực) đến ngày 31/12/2012, 57/63 tỉnh, thành đã cấp 957 giấy phép, gồm 275 giấy phép thăm dò khoáng sản, 682 giấy phép khai thác khoáng sản (6 địa phương không cấp phép là: Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM).
Ðiều đáng nói là có trên 50% trong tổng số 957 giấy phép được cấp vi phạm quy định pháp luật. Cụ thể, trong cấp phép thăm dò khoáng sản, có 10/275 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; 6/275 giấy phép được cấp phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản; 7/275 giấy phép được cấp khi hồ sơ không có đăng ký kinh doanh ngành, nghề phù hợp; 128/163 giấy phép được cấp thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Ðối với việc cấp phép khai thác khoáng sản, kết quả kiểm tra cho thấy có 93/682 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; 31/682 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 45/682 giấy phép cấp khi hồ sơ đăng ký kinh doanh ngành, nghề chưa phù hợp; 196/682 giấy phép cấp khi hồ sơ không có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khai thác khoáng sản; 345/682 giấy phép cấp khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư; 29/682 giấy phép cấp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và 196/682 giấy phép cấp khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tìm mọi cách để lách luật
Ðể xảy ra tình trạng trên, theo Bộ TN&MT, có nguyên nhân “người trong cuộc” tìm mọi lý do để lách luật; cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ và người có thẩm quyền ký giấy phép nhận thức chưa đầy đủ về Luật Khoáng sản năm 2010; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu cấp phép ở nhiều địa phương vừa thiếu và yếu về chuyên môn cũng như am hiểu các quy định pháp luật…
Nhằm khắc phục tình trạng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản sai quy định pháp luật tràn lan, Bộ trưởng TN&MT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 9 địa phương thu hồi giấy phép đã cấp không đúng quy định. Kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong cấp phép hoạt động khoáng sản; đồng thời có trách nhiệm giải quyết các thiệt hại cho chủ đầu tư theo quy định của pháp luật do việc thu hồi giấy phép. Ngoài ra, 10 tỉnh, thành phải sớm bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoảng sản.
Ðặc biệt, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo 11 tỉnh, thành có văn bản đình chỉ khai thác đối với các giấy phép đã cấp tại khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản.
Chủ yếu xuất sang Trung Quốc Hiện Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau, tương đối phong phú, đa dạng về chủng loại, gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bauxite, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molypden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp (apatít, cao lanh, cát thủy tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát). Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2012, tương đương 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 140 triệu USD. Thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Ðài Loan, Hàn Quốc và Ấn Ðộ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 91,2% lượng quặng và khoáng sản với 1,2 triệu tấn, trị giá 101,7 triệu USD. Ðứng thứ hai là Nhật Bản với hơn 20.000 tấn, trị giá 12,1 triệu USD. Kế tiếp là Malaysia với gần 16.000 tấn, trị giá 4,3 triệu USD. |
Theo Người lao động