Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM 2024 lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa lãnh đạo các bộ ngành Trung ương về chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp.
Xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ
Đặt câu hỏi, TS. Trần Du Lịch cho biết, từ lâu Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xếp hạng tăng… Tuy nhiên, để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự lan tỏa giá trị và tạo bùng nổ cần phải có đột phá hơn nữa, đặc biệt là khoa học công nghệ. Vậy cần có những chính sách, giải pháp đột phá gì để đột phá về khoa học công nghệ trên cả 3 lĩnh vực công nghệ IT, công nghệ sinh học và vật liệu mới?
Trả lời, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ khoa học công nghệ thực hiện một công việc rất quan trọng để thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đó là xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Khoa học công nghệ thành Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo để làm sao thể chế hóa được tất cả chỉ đạo trong việc chuyển đổi công nghiệp hóa, cũng như phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành các quy định pháp luật.
"Trong tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án Luật này, có lẽ chúng ta sẽ có một sự thay đổi căn bản về cách nhìn nhận, đối tượng điều chỉnh. Nếu chính sách trước đây của chúng ta là Luật khoa học công nghệ chủ yếu là sử dụng ngân sách Nhà nước cho các đơn vị công lập để làm dự án, đề tài nghiên cứu thì trong dự án Luật lần này sẽ tập trung vào vấn đề xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ", ông Định cho biết.
Ông Định nhấn mạnh, điều này giúp hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được tạo điều kiện và được thực hiện chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, tức là ở các doanh nghiệp để làm sao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ năng lực hấp thu công nghệ, sáng tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Đấy là hành lang pháp lý quan trọng nhất để cho doanh nghiệp được quyền sử dụng chính kinh phí của mình cho việc tìm hiểu, mua tri thức, mua bí quyết công nghệ để trở thành năng lực nội sinh của các doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ KH&CN nói.
Theo ông Định, hiện nay các doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Nhưng quy định hiện nay chưa đủ mạnh mẽ. Trong thời gian tới, trước mắt Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ KH&CN sửa Nghị định 95 về cơ chế đầu tư về tài chính cho khoa học công nghệ cũng sẽ gỡ bỏ rào cản trong lĩnh vực này.
Nêu ví dụ, ông Định cho hay Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp sẽ được sử dụng để chuyển đổi số của doanh nghiệp. "Trong thời gian tới cũng sẽ có quy định, từ giờ đến cuối năm sẽ có", ông nói.
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết trong năm tới sẽ trình Quốc hội sửa Luật khoa học công nghệ và quan trọng nhất là theo hướng xã hội hóa để cho doanh nghiệp trở thành nhân tố trung tâm trong quá trình hấp thu công nghệ, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa trên toàn bộ hệ thống chuyển đổi công nghiệp của chúng ta.
Trước hết phải phát triển giáo dục và đào tạo
Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển khoa học công nghệ trước hết phải phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng rất quan trọng.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đã ban hành các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục làm nền tảng cho phát triển khoa học công công nghệ, như chuyển từ trang bị kiến thức đơn thuần sang kiến thức toàn diện.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ xác định phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng thể chế.
"Thể chế có vai trò rất quan trọng. "Thể chế, thể chế và thể chế". Do đó, phải hoàn thiện thể chế góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nội dung trên.
Thứ ba, về nguồn lực, phải sửa đổi các quy định để phát triển thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ là một loại hàng hóa có thể giao dịch trên thị trường một cách công khai, minh bạch, đúng giá trị, tuân thủ quy luật thị trường. Lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để bộ máy quản lý khoa học công nghệ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự năng động, sáng tạo vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, trong đó có giải pháp về cán bộ.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng
Đặt câu hỏi cho Thủ tướng tại Diễn đàn, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico nêu vấn đề: Được biết là Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết về vai trò của kinh tế tư nhân, động lực của tăng trưởng phát triển kinh tế. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có những chiến lược dài hạn nào, để khuyến khích hợp tác công tư, PPP để có thể tạo thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhóm công nghiệp mũi nhọn?
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế đất nước và phải thể chế hoá vấn đề này.
Thủ tướng cho biết, hiện nay vướng mắc nhất là thể chế, như Luật Hợp tác công tư khi ban hành chưa phát huy được nhiều tác dụng, do đó, trong việc sửa đổi một luật sửa nhiều luật sắp tới thì có Luật này. Ngoài ra, Chính phủ còn có các chính sách động viên, khuyến khích và trao đổi hợp tác giữa các thành phần kinh tế tư nhân và Nhà nước.
"Chúng ta cần sự chia sẻ, thấu hiểu, thông cảm, trên cơ sở đó có tiếng nói chung để phát triển kinh tế tư nhân. Trên thực tiễn chúng ta đã làm và đang làm, từng bước hoàn thiện thể chế", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại, thứ Bảy tuần trước, ông đã dành cả ngày để trao đổi các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng ngoài Nhà nước để lắng nghe, chia sẻ và có giải pháp phát triển khối này.