Bphone thế hệ đầu tiên ra đời vào năm 2015 đem theo nhiều kỳ vọng của BKAV và giới công nghệ trong nước. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đấy nó làm không ít tín đồ công nghệ phải thất vọng vì sự “im thin thít và lặn mất tăm” một cách nhanh chóng.
Sau thất bại chóng vánh của Bphone 1, sự trở lại lần này của Bphone 2017 chịu không ít gánh nặng. Không đơn thuần là gánh nặng từ những bài toán cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện thoại thông minh, mà BKAV còn phải đối mặt với sự mất niềm tin của khách hàng sau “cú nổ lớn” nhưng “xịt” của chiếc Bphone đầu tiên. Nhiều người tiên đoán rằng Bphone thế hệ tiếp theo sẽ dễ “đi theo vết xe đổ” của người tiền nhiệm, thậm chí còn “thảm hại” hơn.
Làm 1 phép tính nhanh, trung bình mỗi vòng đời sản phẩm công nghệ, thời điểm vàng thu hút khách hàng cũng như để giữ mức giá được như ý là vào khoảng 3 tháng kể từ khi ra mắt. Giả sử, nếu như BKAV dành 20% giá trị sản phẩm (khoảng 2 triệu đồng/sản phẩm) cho những chiến dịch marketing và bỏ ra 20 tỉ đồng trong vòng 3 tháng để chạy quảng cáo trên truyền hình cùng các kênh marketing khác thì số lượng Bphone 2017 bán ra vào khoảng 10.000 máy là có thể bù đắp được chi phí quảng cáo.
Ngoài ra, chúng ta cũng đặt giả thiết, nếu như Bphone 2017 chiết khấu cho những đại lý phân phối bán lẻ khoảng 30% - 35% giá thành sau khi đã dành 20% cho marketing thì giá trị thực của chiếc Bphone 2017 còn vào khoảng 4 triệu (số tiền đó bao gồm chi phí cơ sở hạ tầng, nhân lực, bảo hành…).
Như vậy, nếu để hòa vốn thì BKAV cần bắt buộc bán ra khoảng 15.000 đến 20.000 máy trong vòng 3 tháng nếu không muốn "sập tiệm".
Theo đó, để bán được khoảng 20.000 máy trong 3 tháng thì mỗi cửa hàng Thế giới di động cần bán ít nhất tối thiểu 6 máy/tháng. Con số 6 máy/tháng/cửa hàng không phải là con số bất khả thi nhưng cũng không dễ để đạt được nhất là trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay cùng mức giá công bố "khá chát" của Bphone 2017. Tất cả cần thời gian để trả lời.
Người lạc quan hơn thì đùa tếu táo , với 1 tân binh “chân ướt chân ráo” bước vào sân chơi cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt ông lớn như Apple, Samsung, Oppo… thì chỉ cần “không thất bại & hòa vốn” và để dấu ấn trong người tiêu dùng Việt Nam có lẽ đã là thành công với BKAV.
Bảo Trang