Trong thời gian gần đây, khi Đoàn giám sát của Quốc hội công bố kết luận giám sát việc thực hiện các Nghị quyết 88/2014 và 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã có những băn khoăn về những tồn tại mà báo cáo của Đoàn giám sát nêu ra, trong đó có việc Bộ Giáo dục & Đào tạo không biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách Nhà nước.
Người Đưa Tin xin đăng tải bài viết của bạn đọc Đào Quốc Vịnh về việc triển khai thực hiện đổi mới Chương trình sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ban hành ngày 28/11/2014 của Quốc hội, cũng như những ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra:
Tại điểm g khoản 3, Điều 2 quy định: Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất của năng lực học sinh; đinh hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với cách sách giáo khoa do tổ chức cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của bộ giáo dục và đào tạo.
Có thể tóm tắt các quy định trên bằng mấy vấn đề cốt lõi sau đây: 1) Thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. 2) Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định và phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa được thực hiện xã hội hóa. 3) Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa.
Thực hiện các yêu cầu trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và hướng dẫn các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa. Kết quả là ngay năm học 2020 – 2021, học sinh đầu cấp Tiểu học đã được học nhiều bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đây là lần đầu tiên các cơ sở giáo dục được tự lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh. Có thể thấy rõ điều này là một tiến bộ lớn trong tư duy quản lý, sử dụng sách giáo khoa của Nhà nước, được cử tri cả nước quan tâm và ủng hộ.
Trên cơ sở kết quả xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, thừa kế những quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Trong đó mục b, khoản 1 Điều 32 quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật; Mục c khoản 1 của Điều 32 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Cũng ngay trong năm 2020, trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực pháp luật, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, ngày 19/6/2020 Quốc hội khóa 14 đã có Nghị quyết số 122/2020.
Trong đó tại khoản d Điều 7 quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.”
Có thể khẳng định rằng, ngay cả trong Luật Giáo dục 2019 đã không có điều khoản nào quy định bắt buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước.
Đến Nghị quyết 122/2020 /QH14 còn quy định rất chi tiết ở mức độ tối thiểu rằng, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.
Hơn thế nữa, từ thời điểm Nghị quyết 122/2020/QH14 có hiệu lực đến thời điểm này, sách giáo khoa biên soạn theo phương thức xã hội hóa đảm bảo đầy đủ cho từng môn học, thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn sách giáo khoa là có cơ sở pháp lý, tuyệt nhiên không vi phạm bất cứ một quy định hiện hành nào của pháp luật Việt Nam.
Vậy tại sao dư luận xã hội và không ít cử tri lại băn khoăn, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 là không biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước?
Có thể nói rằng, khi được biết Quốc hội có đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cử tri cả nước rất mong đợi có một kết quả giám sát công bằng, chính xác và đúng pháp luật nhằm tạo điều kiện cho ngành giáo dục khắc phục thiếu sót, phát huy những thành tựu đã đạt được để ngày một phát triển, tạo niềm tin trong nhân dân về lĩnh vực giáo dục, nhất là việc thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần Nghị quyết 29/2013 của Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, dường như, việc sử dụng các căn cứ pháp lý để thực hiện công tác giám sát của Đoàn giám sát chưa hợp lý. Cụ thể là, nếu căn cứ vào Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước là một khuyết điểm lớn, không chỉ dừng ở phạm vi phê bình một cách nhẹ nhàng.
Nhưng ở vào thời điểm Đoàn giám sát tiến hành giám sát việc biên soạn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 122/2020/Qh14 đã có hiệu lực được ba năm. Cả hai văn bản quy phạm pháp luật đều không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách Nhà nước.
Cần lưu ý rằng, cả ba văn bản quy phạm pháp luật kể trên là do Quốc hội banh hành, vì thế sau khi Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 122/2020/QH14 có hiệu lực pháp luật thì hai vấn đề quy định trong Nghị quyết 88/2014/QH14 là, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước và quy định cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa, cũng hết hiệu lực pháp luật, đồng nghĩa với việc công cụ pháp lý để giám sát việc biên soạn sách giáo khoa mà Đoàn giám sát sử dụng khi thi hành công vụ đã hết hiệu lực pháp luật.
Điều này đều làm cho số đông cử tri, đặc biệt là phụ huynh học sinh không khỏi trách cứ Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã không có một bộ sách giáo khoa nhà nước (giá rẻ), để họ phải mua sách giáo khoa xã hội hóa (giá đắt), ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục, ảnh hưởng tới việc thực hiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thiết nghĩ, trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các tập thể, cá nhân, các đoàn giám sát, thanh tra, kiểm tra cần xác định rõ mình sẽ thực hiện công vụ được nhà nước giao bằng công cụ pháp lý nào, còn hiệu lực pháp luật hay đã hết hiệu lực pháp luật, để không làm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay cá nhân được giám sát, thanh tra, kiểm tra phải chịu những oan sai, ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của họ. Mọi kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra phải được công khai, nhưng công khai trên cơ sở minh bạch, đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Đào Quốc Vịnh