Trước sự biến mất của 2 bộ sách giáo khoa được đánh giá là “ít lỗi sai nhất”, “khá đảm bảo về mặt chuyên môn”, TS. Vũ Thu Hương (Chuyên gia giáo dục) đã có cuộc trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
PV: Thưa TS. Vũ Thu Hương, những ngày qua, dư luận đang xôn xao khi nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) gần như “loại” hẳn 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” ra khỏi danh sách giới thiệu ở các địa phương. Là một người làm giáo dục, bà có thể chỉ ra những hệ lụy trước mắt?
TS. Vũ Thu Hương: Câu chuyện này sẽ kéo theo vô cùng nhiều những hệ lụy khác. Nếu cứ vừa làm vừa sửa, vừa đi vừa dò dẫm thì sẽ liên tục vấp váp. Trẻ em và giáo viên sẽ gặp vô vàn khó khăn khi 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” biến mất.
Với chuyên môn giáo dục tiểu học nhiều năm, tôi nhận định 2 bộ sách này là những bộ sách ít lỗi sai nhất trong cả 5 bộ, có nghĩa là khá đảm bảo về mặt chuyên môn. Chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi 2 bộ sách có chất lượng tốt nhất về mặt chuyên môn lại bị xóa bỏ, còn những bộ sách mà chất lượng chuyên môn thực sự có vấn đề thì vẫn tồn tại.
Chúng ta cho các con học sách, chỉ cần một chút thay đổi rất nhỏ thôi, cũng đã ảnh hưởng rất nhiều. Khi thay đổi sách một cách lộn xộn như vậy, việc học của các con sẽ bị xáo trộn.
Rõ ràng, việc xóa bỏ 2 bộ sách này không đứng trên quyền lợi của học sinh, mà đứng trên quyền lợi của những người lớn.
Thêm nữa, giáo viên rất đau khổ, bản thân những giáo viên đã chọn và giảng dạy với 2 bộ sách này, lại một lần nữa phải học lại từ đầu về triết lý giáo dục, về định hướng giáo dục học sinh, quy trình và tốc độ giảng dạy,… dẫn đến căng thẳng, giáo viên không có thời gian cho học sinh. Năm trước đã học và soạn lại từng bài giảng, năm nay lại tiếp tục, nhiều giáo viên hoang mang, không biết sắp tới, tiến trình sẽ như thế nào? Đặc biệt, năm qua, đổi mới giáo dục, chất lượng học sinh lớp 1 không tốt nên đến khi lên lớp 2 lại càng vất vả.
Có giáo viên tâm sự với tôi, nếu như cho học sinh chủ động học hoàn toàn theo sách giáo khoa mới thì cả lớp chỉ có khoảng 3 bạn theo kịp chương trình, bởi sách quá khó, chạy quá nhanh, lên lớp 2, các con bị hổng, thậm chí bị tái mù chữ. Đang trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, 2 bộ sách lại đột ngột biến mất, các cô lại phải học lại từ đầu thì khối lượng công việc sẽ quá tải…
PV: Trong năm qua, bà có nhận được phản ánh nào của giáo viên về các vướng mắc trong chọn sách giáo khoa không?
TS. Vũ Thu Hương: Tôi đã được nghe rất nhiều từ phía giáo viên ở một số địa phương, rằng việc lựa chọn sách giáo khoa không giống như thực tế. Các giáo viên không được cầm sách. Số lượng rất rất ít giáo viên trong trường được cầm những quyển sách, đã viết ra những nhận xét theo cảm nhận của họ, sau đó, các giáo viên khác sẽ sao chép. Điều này khiến các giáo viên vô cùng bức xúc, khi họ là người trực tiếp giảng dạy nhưng không được tiếp cận trước.
Nhiều người nói, sách có ở trên mạng, nhưng trên thực tế, đối với nhiều giáo viên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, việc có mạng Internet cũng là một khó khăn. Rồi với những giáo viên đã lớn tuổi, làm thế nào để nghiên cứu hàng loạt mục trên trang mạng, điều họ cần là những trang sách cầm trên tay, để đọc, để phát hiện ra những điểm chưa phù hợp với giáo dục trẻ, thì sẽ không để hàng loạt “hạt sạn” trong sách sau một khoảng thời gian giảng dạy, như trong năm học vừa qua.
PV: Phía đại diện NXBGDVN cho biết, họ đã sáp nhập 4 bộ sách thành 2 với những gì tinh túy nhất. Điều này có thực sự khả thi không? Và nguyên nhân nào dẫn đến việc xây dựng 4 bộ sách rồi lại sáp nhập thành 2, thưa bà?
TS. Vũ Thu Hương: Xin mọi người đừng xem giáo dục là một thứ đơn giản như hàng hóa! Giáo dục sẽ có những đặc thù hoàn toàn riêng. Tôi cũng đã được nghe rất nhiều lời than phiền về việc ghép sách này.
Đơn cử, PGS.TS Trần Diên Hiển - Chủ biên sách giáo khoa Toán 1 (bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) - đã chia sẻ, NXBGDVN nói rằng sẽ chia 50:50, điều này sẽ rất dễ cho các tác giả vì vẫn giữ nguyên được triết lý giáo dục trong 50% của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, khi đưa ra, nhóm tác giả này chỉ được chọn 7 bài trong tổng số hơn 100 bài. Đó rõ ràng không đúng như NXBGDVN đã nói. Rõ ràng, đã có sự phân biệt ở đây, 2 bộ sách gần như biến mất, không phải có sự sáp nhập gì cả. Và chính các tác giả cũng chia sẻ, vì sự cư xử bất công như vậy nên các tác giả từ chối không viết nữa.
Thêm nữa, nói về câu chuyện ghép sách, sẽ không thể “ghép cơ học” được như vậy, chắc chắn sẽ mang đến những hệ lụy cho học sinh. Khi có một sự thay đổi nhỏ về triết lý giáo dục, cũng phải mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh. Muốn ghép những bộ sách đó, sẽ không chỉ mất vài tháng mà có thể làm được, không một tác giả nào trên thế giới có thể làm được việc này.
Chưa kể, ngay cả việc sáp nhập 2 bộ sách cũng hoàn toàn không có lợi cho học sinh mà còn mang đến rất nhiều hệ lụy.
Việc chúng ta xã hội hóa và mang đến 5 bộ sách giáo khoa cho học sinh sẽ mang lại quyền lợi gì cho học sinh? Nếu muốn tốt cho giáo viên và học sinh, giáo viên phải được sử dụng cả 5 bộ sách, chọn những bài phù hợp để dạy trong cả 5 bộ sách, chứ không phải để nhà trường hoặc địa phương chọn một bộ sách rồi dạy. Không cẩn thận, sẽ quay trở lại câu chuyện độc quyền sách giáo khoa. Trong khi trên thị truồng vẫn có sự xuất hiện của 5 bộ sách.
NXBGDVN nghĩ đến việc gộp các bộ sách nhưng thực chất lại là xóa bỏ 2 bộ sách ít lỗi nhất, trong khi đó, những bộ sách có nhiều lỗi sai nhưng vẫn tiếp tục được tồn tại. Rõ ràng, chúng ta có thể nhìn thấy, điều này không đứng trên quyền lợi học sinh mà đứng trên quyền lợi kinh tế của người lớn.
Tôi cảm thấy không bất ngờ lắm với câu chuyện có 2 bộ sách bị biến mất. Bởi lẽ, bản thân cũng đã thấy được sự chuẩn bị không cẩn thận ngay từ đầu khi áp dụng cả một chương trình mới, với phương pháp áp dụng sách giáo khoa mới hoàn toàn.
Ngày trước, chỉ có một bộ sách giáo khoa và chúng ta luôn luôn có sự chuẩn bị rất kỹ càng, có thử nghiệm, kiểm định rất cẩn thận trước khi sản phẩm đến tay học sinh. Khi đó, bộ GD&ĐT và NXBGDVN đồng hành cùng nhau để đảm bảo chất lượng của bộ sách. Còn hiện nay, chúng ta xã hội hóa sách giáo khoa và có quá nhiều các đơn vị kinh doanh tham gia vào câu chuyện đầu tư, sản xuất sách giáo khoa. Điều này khiến chúng tôi vô cùng lo ngại, bởi, giáo dục là một ngành vô cùng đặc thù. Để kinh tế bước chân vào giáo dục, sẽ có vô vàn hệ lụy có thể nhìn thấy từ trước.
Thêm nữa, quy trình chúng ta đem ra áp dụng lại quá vội vàng, không có chuẩn bị một chút nào về tất cả mọi thứ, trước hết, khi có quá nhiều nhà đầu tư tham gia vào xây dựng sách giáo khoa, sẽ dẫn đến câu chuyện, họ sẵn sàng xóa bỏ những sách kinh doanh không được tốt lắm, mặc dù, về chất lượng giáo dục có thể rất tốt. Hoặc, họ sẽ có những sự cài cắm về quảng cáo, về marketing trong những bộ sách của mình, đó là những việc đương nhiên sẽ có, khi chúng ta cho kinh tế vào giáo dục.
Bên cạnh đó, câu chuyện thử nghiệm sách giáo khoa cũng khiến chúng tôi bàng hoàng, khi bộ GD&ĐT đã áp dụng những bộ sách này vào đại trà khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, tập huấn cho giáo viên cũng rất vội vàng trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19… Nếu như bộ sách giáo khoa năm 2000, đã có tận 4 năm để thử nghiệm, thì lần này, không phải chỉ một, mà có đến 5 bộ sách (và bây giờ rút lại còn 3 bộ), lại không có một thời gian thử nghiệm nào, hoàn toàn chỉ có nhà xuất bản và các tác giả tự thử nghiệm 1-2 bài, nên chúng ta không thể kiểm chứng được điều gì.
PV: Bộ GD&ĐT có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra những chuyện này, thưa bà?
TS. Vũ Thu Hương: Trong chuyện này, bộ GD&ĐT là những người xây dựng quy định, luật lệ. Tại sao họ không xây dựng ngay từ đầu về việc tuyệt đối không được xóa bỏ những bộ sách khi đã được phát hành. Rõ ràng, bộ GD&ĐT không có một quy chế ngay từ đầu, cũng như không có sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng về lộ trình, đi như thế nào, áp dụng như thế nào, khi xảy ra các tình huống thì giải quyết như thế nào? Bộ không xây dựng các kịch bản và phương án xử lý. Chính vì vậy, khi xảy ra những tình huống,
Nếu có quy định rõ ràng và đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu thì sẽ không xảy ra những câu chuyện như vừa qua. Câu chuyện nhiều bộ sách giáo khoa không mang lại bất kể lợi ích gì cho học sinh, đặc biệt khi làm sách đứng trên lợi ích kinh tế của người lớn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Cẩm Mịch