Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế?

Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 17/11/2020 20:00

Tôi vẫn hỏi nhiều người phụ nữ từng bị chồng bạo hành, lừa dối câu đó. Nhưng rõ ràng, nhiều người phụ nữ dù lòng đã hết yêu rồi nhưng vẫn chẳng quyết được việc ra đi

Ngày đẹp nhất của đời người phụ nữ, theo văn thơ lãng mạn viết, thì là ngày cưới. Nhưng thực tế, ở Việt Nam, sau khi cởi bỏ chiếc váy cưới lãng mạn kia xuống thì có khi đó lại là chuỗi ngày sống trong địa ngục bi ai. Hãy thử cùng đọc qua những con số này.

- Hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành được xét (thể xác, tình dục, và tinh thần).

- 34% cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, tức cứ ba phụ nữ Việt Nam có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người đã từng bị chính chồng mình đánh đập hay hiếp dâm.

- 9% số phụ nữ Việt Nam hiện đang phải chịu đựng bạo hành thể xác hoặc tình dục bởi chồng mình.

- Khả năng phụ nữ Việt Nam bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

- 42% phụ nữ ở vùng Đông Nam Bộ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, nghĩa là tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ.

- Tỷ lệ phụ nữ cho biết họ đang hoặc đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình dao động từ 8% (người H’Mông) đến 36% (người Kinh).

- Khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị đánh đập trong thời gian mang thai, đa phần bởi chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng.

- Cứ 4 phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn một nửa trong số này cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần.

- Những người phụ nữ đã từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần hai lần và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp ba lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành.

Dù chúng ta cố gắng nghĩ một cách tích cực thế nào đi nữa thì những con số trên thực sự khiến ai nấy đều đau thắt lòng, kinh hãi và phẫn nộ. Tiếc thay, những con số trên chỉ “đỏ” lên trong những ngày 8/3 hay 20/10. Ngày thường nó nguội ngắt. Kiểu đèn nhà ai người nấy rạng. Kiểu chẳng liên quan đến mình. Như hôm trước, ở Xã Đàn- Hà Nội, người chồng đánh vợ hộc cả máu, mọi người lao vào bình luận chửi rủa gã chồng. Còn chính người phụ nữ, vợ của gã chồng đó thì thế nào? Tôi vẫn loay hoay tự hỏi: Sao người dân xung quanh sợ gã chồng hổ báo? Sao không có ai xông vào giải cứu người phụ nữ thôi cũng được?

Thật đau xót khi phải nói rằng vụ chồng đánh vợ ở Xã Đàn chẳng phải hàng hiếm. Tôi vừa lên google, gõ vào từ khoá: Clip chồng đánh vợ. Và kết quả là:

Hướng dẫn sử dụng - Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế?

2,240.000 kết quả trong chưa đầy 1 giây. Hàng ngàn kiểu đánh vợ được bày biện ra trong loạt kết quả tìm kiếm. Nhưng nó chưa phải là tất cả đâu. Vẫn còn hàng triệu vụ nữa mà người ta không quay lại được hoặc người ta không tung lên mạng.

Thật đáng sợ khi phần đông những người phụ nữ đang bị bạo hành đều không dám tố cáo hoặc quyết định kết thúc cuộc hôn nhân này. Giáo dục Việt Nam với những câu kiểu: “Xấu chàng- hổ ai” hoặc cổ xưa kiểu “xuất giá tòng phu” khiến nhiều phụ nữ cam chịu và tô hồng 2 chữ “Hy sinh”. Rồi bao biện: “Vì con” để cắn răng sống tiếp. Hay nhiều phụ nữ chọn nghỉ làm để chồng nuôi và nghỉ chồng thì lấy ai nuôi? Rồi sức ép của cha mẹ, sĩ diện của cha mẹ khi có con ly dị cũng khiến nhiều người vợ nuốt nước mắt chấp thuận câu: Con gái là con người ta.

Hướng dẫn sử dụng - Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế? (Hình 2).

Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế? Tôi vẫn hỏi nhiều người phụ nữ từng bị chồng bạo hành, lừa dối câu đó. Nhưng rõ ràng, nhiều người phụ nữ dù lòng đã hết yêu rồi nhưng vẫn chẳng quyết được việc ra đi. Chứ đừng nói đến chuyện tố cáo chồng bạo hành. Bởi họ không hiểu pháp luật, họ vẫn cho rằng pháp luật không làm được gì với những gã chồng vũ phu như thế. Họ vẫn cho rằng chuyện chồng đánh vợ chỉ là chuyện trong gia đình, không pháp luật nào can thiệp được. Bởi hội phụ nữ đang ở đâu hay hội phụ nữ chỉ xuất hiện trong những lần quyên góp quỹ này quỹ nọ?

Để làm gì một cuộc hôn nhân như thế? Tôi biết đã có những người phụ nữ đã sẵn sàng “bóc phốt” chồng đánh vợ tung lên mạng để rồi chính những người phụ nữ khác lại vào “ném đá” phụ nữ mình. Rằng chuyện nhà lôi ra chòm xóm vỉa hè chứng tỏ cũng là loại phụ nữ không ra gì. Rồi cả chính những gã đàn ông mượn danh trẻ trâu mà vào comment thoá mạ vì sợ vợ mình cũng bắt chước theo mà tung lên mạng chuyện xấu của mình. Lũ đàn ông hèn đó, nhiều không kể xiết.

Như hôm trước, tôi mới chỉ đưa lên quan điểm về việc đàn ông nên xin lỗi vợ dù đúng dù sai chỉ cần làm vợ buồn, vợ giận, vợ khóc là phải xin lỗi rồi. Và inbox tôi, status của tôi ngập tràn ý kiến của những đàn ông chửi tôi nịnh vợ, kêu tôi vớ vẩn, nhà văn nói láo, nhà báo nói phét… Chỉ là một lời xin lỗi thôi mà cũng khó khăn thế huống chi yêu cầu đàn ông tuyệt đối không được đánh vợ?

Tôi vẫn nghĩ, việc dạy phụ nữ xin đừng chỉ dạy họ nấu ăn ngon, mặc quần áo đẹp, nhiều chiêu trò trên giường để phục vụ chồng hay ứng xử thế nào với mẹ chồng, làm gì khi có kẻ thứ 3 nhảy vào cướp chồng… Hãy dạy chị em về giá trị bản thân. Rằng không ai có quyền xúc phạm họ chứ đừng nói là đánh đập họ. Là không ai có quyền coi rẻ họ, xếp họ là ưu tiên thứ 2, thứ 3. Là anh làm chồng chứ không phải ông chủ và tôi là nô lệ cho anh. Chẳng có hạnh phúc nào xảy ra trong những bất công cả. Một khi người phụ nữ hiểu và biết giá trị bản thân họ thì họ sẽ tự biết họ phải làm gì.

Cuộc chiến chống bạo hành phụ nữ vốn không phải là chuyện thức tỉnh đàn ông đừng có đánh vợ nữa. Mà hãy là từ những người vợ đừng để chồng mình được phép đánh mình dù với bất cứ lý do gì. Và nhiều hơn cả, là chính từ phụ nữ với nhau. Đừng nghe chuyện bạn mình bị chồng đánh để ra buôn chuyện với người khác mà hãy giúp họ. Hãy là những người bạn như đám đàn ông chúng bảo vệ nhau đấy. Hãy là những người tiên phong trong việc cùng thúc đẩy việc chống bạo hành. Hãy là điểm tựa cho những người phụ nữ bất hạnh khác. Đừng im lặng nữa!

Tôi vẫn nghĩ, clip hồi hôm, mọi phụ nữ nên xem lại nhiều lần để nhắc mình không được im lặng nữa!

Hoàng Anh Tú

Độc giả có những tâm sự hay khúc mắc cần sự tư vấn, giải đáp của chuyên gia hoặc đơn giản chỉ là để trải lòng, chia sẻ những quan điểm về hôn nhân, "cách sử dụng" một cuộc hôn nhân,... xin hãy gửi trực tiếp bài viết của bạn cho Tiệm sửa chữa hôn nhân của chúng tôi theo địa chỉ mail suachuahonnhan@nguoiduatin.vn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.