Ngày 3/5, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank ra xét xử.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc) và 5 đồng phạm bị đưa ra xét xử cùng về tội danh nêu trên.
Tại các phiên tòa xét xử trước đó, bị cáo Hoàng Văn Toàn phủ nhận các hành vi mà VKSND Tối cao cáo buộc mình. Bị cáo này cho rằng mình đã thực hiện việc xét duyệt cho vay đúng quy trình của TrustBank.
Theo bị cáo Toàn, khi ký duyệt cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay 650 tỷ đồng, Toàn đã căn cứ vào hồ sơ vay vốn, đề nghị của chi nhánh Sài Gòn, tài sản đảm bảo và chứng thư thẩm định giá của công ty DATC....
Về chứng thư thẩm định giá của công ty DATC, bị cáo Toàn khai, bản thân biết khu đất mà Danh mang qua thế chấp được DATC định giá 940 tỷ đồng. Khi thấy chứng thư thẩm định giá này là hợp pháp và công ty thẩm định giá DATC trực thuộc bộ Tài chính, đồng thời được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nên Toàn mới ký giải ngân các khoản vay.
Cũng giống như bị cáo Toàn, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank Trần Sơn Nam nói mình làm đúng theo quy trình và tuân thủ theo thủ tục chung.
Việc xét duyệt cho vay là có căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của DATC, đối chiếu tình hình tài chính và khả năng thu hồi nợ phù hợp nên quyết định ký cấp tín dụng. Bị cáo Nam thừa nhận quá tin tưởng nên bị cáo không cho người ra Đà Nẵng kiểm tra rõ lô đất tại sân vận động Chi Lăng.
“Bị cáo biết rõ ngân hàng Đại Tín đang bị đặt vào diện đặc biệt khó khăn, mọi giao dịch trên 5 tỷ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát. Bị cáo có trình hồ sơ 2 khoản vay này lên tổ giám sát và được tổ giám sát đồng ý”, bị cáo Nam khai tại tòa.
5 bị cáo khác trong vụ án này nguyên là các thuộc cấp của Toàn, Nam khi được xét hỏi cũng khẳng định mình thực hiện theo đúng quy trình và thủ tục chung của TrustBank.
Ngoài ra, một điểm quan trọng trong vụ án được các bị cáo khai ra tại tòa, đó là việc TrustBank ký duyệt cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay vốn đã được tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Trước lời khai này, chủ tọa phiên tòa cho mời ông Hà Tấn Phước, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, nguyên Tổ trưởng tổ Giám sát TrustBank lên xét hỏi thì ông Phước khẳng định lời khai của các bị cáo là thiếu chính xác.
HĐXX cho ông Phước xem bút lục có “bút phê” của ông Phước liên quan tới khoản vay 650 tỷ đồng, ông Phước thừa nhận chữ viết trong hồ sơ này đúng là của mình. Theo “bút phê” này: “Ngân hàng Đại Tín muốn cho vay thì phải đẩy dư nợ xuống bằng với dư nợ cuối ngày 31/12/2011”. Tuy nhiên ông Phước bất ngờ nói rằng tổ giám sát không đồng ý để TrustBank cho vay.
Ngược lại, các bị cáo đồng loạt nói rằng trong bút phê không có nội dung không đồng ý cho vay nên các bị cáo hiểu rằng cho vay cũng được, không cho vay cũng được. Tổ giám sát bút phê rất chung chung làm cho các bị cáo hiểu là cho vay nhưng số tiền cho vay khi cộng lại thì không được vượt quá dư nợ ngày 31/12/2011.
Sau đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng không có ý kiến gì liên quan tới 2 khoản vay trên. Người đại diện này cho rằng HĐXX cứ căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và người liên quan để có phán quyết đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Tại phiên tòa chiều nay (3/5), đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa mở đầu phần tranh luận đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án. Theo đó, đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội nên đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Toàn mức án từ 6 - 7 năm tù; Bị cáo Trần Sơn Nam bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù, các bị cáo còn lại mức án cao nhất 3 năm tù cùng về tội danh nói trên.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…