Một bị cáo được hưởng án treo
Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Cổ phần Coma 18, chiều 9/8 đã diễn ra phần luận tội, bào chữa cũng như tuyên án của HĐXX.
Tại phần luận tội, đại diện VKS đánh giá, các bị cáo dù biết chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, nhưng vẫn tiến hành chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, dẫn đến thất thoát hơn 64 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Về tình tiết giảm nhẹ, VKS cho hay, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong công tác, và gia đình có truyền thống cách mạng.
Cơ quan này đề nghị bị cáo Lê Huy Lân (SN 1962, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Coma 18) từ 8-10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Xuân Phong (SN 1968, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Coma 18) bị đề nghị 5-6 năm tù.
Bị cáo Lê Văn Khương (SN 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – Coma) bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối đáp sau đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, thời điểm dẫn đến vi phạm. Đặc biệt, những khó khăn về tài chính của Coma 18 dẫn đến không thể thực hiện dự án phải chuyển nhượng cho doanh nghiệp tư nhân.
Tất cả các bị cáo không tư lợi, có ý thức chiếm đoạt tài sản. Ngay phía Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cũng rất muốn nộp tiền sử dụng đất, chứ không có ý định chiếm dụng.
"Trong tổng số tiền hơn 100 tỷ doanh nghiệp này đã nộp, có khoản đã treo gần 10 năm. Đến sáng nay, khi được đại diện Cục thuế Hà Nội giải thích, bản thân tôi là luật sư mới hiểu rõ việc nộp đó là không đúng quy định của ngành thuế", luật sư nói và đề nghị HĐXX tháo gỡ cho những khoản tiền bị "treo" đó.
Tại toà, một số luật sư cho rằng, việc để doanh nghiệp xây dựng vượt tầng, vi phạm xây dựng có lỗi của cơ quan chức năng khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến dự án không được giao quyền sử dụng đất.
Những lời xót xa muộn màng
Tại phần nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn, gửi lời xin lỗi cơ quan, đơn vị và gia đình, đồng thời mong muốn được giảm án để sớm có cơ hội quay lại tiếp tục làm việc.
Trong đó, bị cáo 69 tuổi - Lê Văn Khương cho hay, trong suốt quá trình công tác, từng đảm đương nhiều vị trí tại Bộ Xây dựng trước khi về Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – Coma.
Bị cáo cho hay, bản thân là người không ngừng phấn đấu, luôn hoàn thành nhiệm vụ và là niềm tự hào của nội ngoại 2 bên. Chỉ vì chút thiếu sót của bản thân đã dẫn đến "cơ sự" hôm nay.
"Nhiều đêm nằm suy nghĩ, bị cáo thấy nếu phạm tội khi còn trẻ còn có cơ hội sửa sai. Chứ ở tuổi này rồi thì không biết làm gì khác", ông Khương nghẹn giọng và cho hay, bản án của ông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, người thân.
Ông Khương cũng xin HĐXX giảm án cho 2 bị cáo từng là cấp dưới của mình, đồng thời chia sẻ những khó khăn, áp lực của một công ty có vốn Nhà nước nói chung cũng như bối cảnh vi phạm để HĐXX giảm án cho các bị cáo.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, HĐXX nghị án và tuyên án với các bị cáo.
Theo đó, bị cáo Lê Huy Lân bị tuyên 8 năm tù; Nguyễn Xuân Phong bị tuyên 5 năm tù, cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị cáo Lê Văn Khương bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".