Ngày 17/7, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Buôn lậu hơn 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng), do Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê tỉnh Bình Định); Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh) cầm đầu. Ngoài 2 bị cáo này, còn có 22 bị cáo khác cũng bị đưa ra xét xử về cùng tội Buôn lậu.
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND thành phố Hồ Chí Minh thực hành công tố tại tòa mở đầu phần tranh luận với việc phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với từng bị cáo.
Theo đại diện VKS, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại tòa, đủ cơ sở xác định, từ đầu năm 2022, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (kinh doanh vàng tự do, thu đổi ngoại tệ ở thành phố Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Thị Kim Phượng (chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng ở Tây Ninh) đã lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thụ vàng miếng, vàng nguyên liệu và thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia, nên đã móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc, sau đó bán lại cho khách hàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.
Đường dây buôn lậu vàng thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Giàu, có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng.
Các đồng phạm của Phụng đã cất giấu vàng lậu trong ngăn bí mật dưới sàn xe ba gác của đối tượng người Campuchia, chạy xe đến Cửa khẩu Chàng Riệc với lý do mua đá lạnh sinh hoạt nhằm đưa vàng qua biên giới.
Khi xe chở vàng đến cửa khẩu Chàng Riệc, Trần Thanh Thắng (con trai của Phụng) sẽ nhận xe và chạy về xưởng đá lạnh của Giàu tại xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để lấy vàng ra, rồi chất đá lạnh lên xe chạy ngược lại khu vực cửa khẩu.
Sau khi vàng lậu vào Việt Nam, Phụng chỉ đạo việc mua bán vàng trong nước thông qua Giàu. Giàu giao cho các đối tượng khác trong đường dây đi giao số vàng này hoặc trực tiếp giao vàng lậu cho khách hàng theo chỉ đạo của Phụng.
Bằng thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ 3/8 đến 28/9/2022, Phụng đã buôn lậu 4.830kg vàng thỏi với giá trị 6.644 tỷ đồng, thu lợi bất chính tổng cộng hơn 17,6 tỷ đồng. Trong đó, Phụng hưởng lợi 2,4 tỷ đồng; Giàu hưởng lợi 13,8 tỷ đồng; 20 bị cáo còn lại hưởng lợi tùy vào công sức bỏ ra.
Đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) cầm đầu. Trong khoảng thời gian từ 16/7 đến 28/9/2022, Phượng đã móc nối với Giàu, Nguyễn Thị Thúy Hằng và 3 người khác tham gia, buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Với việc buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, Phượng hưởng lợi 132.000 USD (hơn 3 tỷ đồng), Giàu hưởng lợi hàng chục tỷ đồng và một số bị cáo khác hưởng lợi tùy theo mức độ khi tham gia buôn lậu.
Theo VKS, các bị cáo vì động cơ vụ lợi đã thiết lập, tham gia vào đường dây mua bán vàng lậu với những vai trò khác nhau. Hành vi của các bị cáo đã gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng; đồng thời ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong việc kinh doanh vàng nên cần có mức án tương xứng.
Tuy nhiên, cần phân hóa rõ vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp. Theo đó, nghiêm trị bị cáo vai trò chính, cầm đầu và giảm nhẹ thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả; thừa nhận hành vi phạm tội.
Từ các nhận định trên, VKSND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tóa án cùng cấp tuyên bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng 17 - 18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng từ 15 - 16 năm tù; Nguyễn Thị Thúy Hằng 10 - 11 năm tù, Trần Thanh Thắng 12 - 13 năm tù; 19 đồng phạm còn lại bị đề nghị các mức án từ 5 - 14 năm tù về cùng tội Buôn lậu.
Ngoài ra, VKS đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và số tiền các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả vụ án.