Sáng ngày 26/12, phiên xét xử phúc thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" kết thúc phần xét hỏi. Sau khi làm rõ một số thêm một số tài liệu hồ sơ được gia đình và luật sư của các bị cáo nộp bổ sung, HĐXX chuyển sang phần tranh tụng.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày cáo trạng và quan điểm đối với đơn kháng cáo của 21 bị cáo và 2 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Liên quan đến đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát cho biết tại căn cứ vào hành vi, tính chất phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo mức án 16 năm tù và hình phạt bổ sung 100 triệu đồng. Trước đó, gia đình bị cáo cũng đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hơn 21,5 tỷ đồng nhận hối lộ.
Sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm kết thúc, gia đình bị cáo đã hoàn thành đủ số tiền phạt bổ sung và án phí hình sự sơ thẩm.
Bên cạnh đó, tháng 11/2023, Công đoàn Bộ Ngoại giao, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã có đơn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Thứ trưởng do bị cáo có nhiều năm công tác và đóng góp cho ngành. Bản thân bị cáo cũng có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng các huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của nhiều bộ, ngành.
Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá có căn cứ để xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Tô Anh Dũng, đề nghị HĐXX giảm thêm cho bị cáo từ 3 – 4 năm tù năm giam.
Liên quan đến đơn kháng cáo của bà Trần Phi Nga – là vợ của bị cáo Tô Anh Dũng, đề nghị giải tỏa các biện pháp phong tỏa kê biên các tài sản của gia đình bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng do bị cáo đã khắc phục đủ số tiền nhận hối lộ, số tiền phạt bổ sung, tiền án phí nên đủ căn cứ để giải tỏa, kê biên các tài sản trên. Đề nghị HĐXX có biện pháp giải tỏa các biện pháp ngăn chặn.
Theo hồ sơ vụ án, khi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch Covid-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ GTVT) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.
Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 đến tháng 01/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được Tô Anh Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền của các doanh nghiệp với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng.
Trong 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, có đến 18 lần bị cáo Tô Anh Dũng thực hiện việc nhận hối lộ ngay tại phòng làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao.