Thông tin về việc ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, kỷ luật nhiều cán bộ, nguyên cán bộ có liên quan những sai phạm vụ Formosa đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
UBKT TƯ tiếp tục đề nghị xử lý một loạt cán bộ liên quan đến những sai phạm trong vụ Formosa. Điều đó cho thấy, chúng ta đang rất kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã biết thông tin này. Tôi thấy, việc xử lý này khiến nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Qua việc này cũng thể hiện rõ, chúng ta đang đặc biệt quan tâm đến xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong một vụ việc sai phạm.
Trước đây, mỗi khi xử lý một vụ việc sai phạm, nhiều người vin vào việc tập thể để chối bỏ trách nhiệm cá nhân. Có người lợi dụng quan điểm “tập thể lãnh đạo” để dễ dàng né tránh trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra trong đơn vị mình quản lý.
Trước đề nghị xem xét, kỷ luật các cá nhân, tập thể sai phạm vụ Formosa, cá nhân tôi thấy vui mừng vì trong quản lý Nhà nước đã có những thay đổi căn bản. Rõ ràng là chúng ta đang đẩy mạnh đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này, nhiều nước trên thế giới đã từng làm khi nhiều quan chức sẵn sàng từ chức khi có sai phạm trong bộ, ngành mình quản lý.
Rõ ràng, chúng ta ngày càng tiệm cận đến văn hóa xử lý trách nhiệm với người đứng đầu. Người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để xảy ra một vụ việc trong ngành, đơn vị mình quản lý gây dư luận không tốt cho người dân và xã hội. Bởi thế, tôi rất ủng hộ việc này và mong, quan điểm xử lý nghiêm người đứng đầu sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới đối với những sai phạm xảy ra.
Vậy theo ông, để trách nhiệm người đứng đầu không bị bỏ qua thì chúng ta cần thực hiện những gì?
Chúng ta hiện nay vẫn đề cao quan điểm dân chủ. Một vụ việc được đưa ra tập thể bàn bạc nhưng người đứng đầu căn cứ vào đó để có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, với người đứng đầu có biểu hiện dân chủ giả tạo hoặc dùng ý chí cá nhân để áp đặt dân chủ, tự mình quyết định một số vấn đề sai trái, gây thiệt hại, tổn hại cho xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Sau đề nghị của UBKT TƯ, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiếp các thủ tục để quyết định hình thức kỷ luật tùy vào mức độ sai phạm của mỗi cá nhân. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?
Tôi nghĩ, một hình thức kỷ luật xứng đáng với từng cá nhân cần căn cứ vào chi tiết những sai phạm. Trên cơ sở những sai phạm đó, tôi đề nghị xử lý một cách thích đáng đối với từng hành vi sai trái mà họ đã gây ra hoặc gián tiếp gây ra. Cũng cần lưu ý, cần thận trọng để xử lý đúng người, đúng sai phạm.
Trong các cán bộ bị đề nghị kỷ luật lần này có ông Võ Kim Cự. Theo ông, việc bị xem xét có ảnh hưởng gì đến những công việc, vị trí mà ông này đang làm và đang đảm nhận không?
Tôi nghĩ, nếu là một người cán bộ vì dân vì nước thì khi phát hiện sai phạm nên thành khẩn nhận lỗi. Bởi với một cán bộ đảng viên, phê bình và tự phê bình giống như rửa mặt hàng ngày để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Tôi nghĩ ông Võ Kim Cự nên có một động thái để nhận rõ lỗi của mình, thậm chí là nên công khai xin lỗi trước dân chúng. Xin lỗi ở đây chỉ là để mình tốt hơn thôi.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xem thêm>>>
Đề nghị kỷ luật ông Võ Kim Cự liên quan sai phạm vụ Formosa
Ông Võ Kim Cự: Từ ‘không gì sai’ đến trách nhiệm vụ Formosa
Dương Thu (thực hiện)