Với các khuyết điểm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực...đã được kết luận tại kỳ họp thứ 17 của UBKT TƯ, ông Nguyễn Xuân Anh - ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.bị UBKT TƯ đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông (ĐBQH khóa XI, XII) về công tác cán bộ qua vụ việc này.
PV: Ông đánh giá sao về thông báo mới nhất của UBKT TƯ đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh?
Ông Lê Văn Cuông: Ông Nguyễn Xuân Anh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ quản lý. Chính vì thế, việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh phải do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ xem xét.
PV: Những khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Xuân Anh phải đến khi UBKT TƯ vào cuộc mới được phát hiện, đề nghị xử lý. Phải chăng, việc kiểm soát quyền lực với một cán bộ trẻ đang có vấn đề?
Ông Lê Văn Cuông: Ông Nguyễn Xuân Anh là một cán bộ trẻ, là con em gia đình có truyền thống, vì thế được quan tâm cất nhắc hơi nhanh. Tiếp đó, TP.Đà Nẵng là địa phương được cả nước ngưỡng mộ, là thành phố đáng sống…Một thành phố được đánh giá là chuẩn mực của VN. Đội ngũ cán bộ TP nhiệm kỳ trước cũng được người dân đánh giá cao ví dụ như ông Nguyễn Bá Thanh. Vì vậy, dư luận cũng đặt niềm tin vào đội ngũ kế cận sẽ phát huy được các truyền thống đó.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Anh lúc mới lên vị trí Bí thư thành ủy cũng tuyên bố rất hùng hồn rằng sẽ không đánh mất mình trước cám dỗ, mua chuộc… Rất nhiều lý do để người ta tin tưởng, hy vọng, ông Xuân Anh là một nhân vật trẻ có đủ đức, đủ tài đưa thành phố tiếp tục phát triển mạnh, vững chắc.
Ít ai nghĩ một cán bộ trẻ, con đường phát triển còn thênh thang như ông Nguyễn Xuân Anh lại sớm tư lợi, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc dân chủ như vậy. Những điều đó cũng tạo nên sự chủ quan trong việc kiểm soát, giám sát quyền lực. Mới có 2 năm, ông Nguyễn Xuân Anh đảm nhận vị trí Bí thư TP đã có biểu hiện gây nhiều bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng sự đoàn kết của Đảng bộ TP và TƯ vào cuộc kiểm tra. Đó cũng là khuyết điểm của chúng ta khi phát hiện vi phạm hơi muộn, không có sự uốn nắn, nhắc nhở cán bộ sớm.
Tôi cho rằng đây cũng là trường hợp tiêu biểu vi phạm trong thời kỳ quá độ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã đưa ra các tiêu chí của cán bộ. Từ nay về sau, các việc làm của cán bộ sẽ được đối chiếu theo các tiêu chí và dễ dàng tìm ra các cán bộ sai phạm. Đó là cơ sở để giám sát quyền lực tốt hơn, xử lý, ngăn chặn sớm được các cán bộ vi phạm.
PV: Ông Nguyễn Xuân Anh mới ở vị trí này được 2 năm nhưng đã có nhiều vi phạm. Đây có phải là hậu quả của việc cất nhắc cán bộ quá nhanh, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Đây là bài học về công tác cán bộ. Thực ra, khi xem xét cất nhắc cán bộ, đó phải là người đã qua trả nghiệm thực tiễn từ cơ sở, từ cấp thấp lên cấp cao, có triển vọng mới từng bước xem xét rèn luyện, thử thách. Đó phải là người từng trải qua các công việc thực tế được cán bộ, quần chúng ủng hộ…Lúc đó, tổ chức mới xem xét bồi dưỡng, đào tạo cho có cơ sở, “độ chín” vững chắc.
Thực tế hiện nay, chúng ta chọn cán bộ thiên về tuổi trẻ quá nhiều Điều này là đúng nhưng người trẻ đó phải có tài năng, đức độ, đã thể hiện bản lĩnh, sự cống hiến, có kết quả từ thực tiễn. Đằng này, việc bổ nhiệm ông Xuân Anh mới chủ yếu dựa trên kết quả trên giấy tờ, văn bằng, lý lịch, truyền thống gia đình…mà không xem xét thấu đáo trong thực tiễn về bản lĩnh, khả năng đảm nhiệm công việc.
Tuyển chọn cán bộ theo kiểu ngồi chưa ấm chỗ đã cất nhắc lên, bổ nhiệm thần tốc, họ không có vốn sống, không có năng lực lãnh đạo mà được đặt ở vị trí cao sẽ làm bản thân họ choáng ngợp, ngộ nhận mình quá tài giỏi nên mới phát triển nhanh như vậy. Điều này khiến họ dễ nảy sinh chủ quan không phấn đấu, dễ dẫn đến sai phạm.
Sự quan tâm quá mức, bổ nhiệm cán bộ vội vàng, “chín ép” cán bộ đều khó đạt được kết quả tốt, thậm chí phải trả giá bằng việc phải xử lý cán bộ trẻ.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)