Tin tức cập nhật mới nhất, trong thông cáo báo chí Kỳ họp 13 của ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) vừa qua, đã có ý kiến đề nghị ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật với các cá nhân, tổ chức vi phạm, trong đó có ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Việc đề nghị kỷ luật các cán bộ trên thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu. PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, UBKT TƯ đã có kết luận thể hiện sự kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ý kiến của ông thế nào?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tôi thấy nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét kỷ luật ông Võ Kim Cự và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung là muộn. Nhưng cá nhân tôi nghĩ không nên đặt vấn đề như vậy. Bởi việc xử lý một cán bộ vi phạm kỷ luật, nhất là khi ông Cự đang làm ĐBQH, cần có quy trình chặt chẽ. Theo tôi nhận định, khi UBKT TƯ xác định hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền với ông Võ Kim Cự thì dứt khoát, Quốc hội sẽ có hình thức kỷ luật.
Là một đại biểu dân cử, nếu có hình thức xử lý của Quốc hội với ông Cự sẽ phải bắt đầu từ đơn vị bầu cử, từ đó, ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình phương án xử lý, ĐBQH bỏ phiếu quyết định.
PV: Là ĐBQH tỉnh Quảng Bình, 1 trong 4 địa phương chịu thiệt hại từ sự cố môi trường biển miền Trung, ông đánh giá gì về đề nghị xem xét, kỷ luật cán bộ lần này?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ việc xem xét kỷ luật ông Cự cũng như các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan vụ Formosa đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Khi sự kiện Formosa xảy ra, người dân luôn mong muốn xem xét vi phạm của tổ chức, cá nhân, kỷ luật nghiêm.
PV: Thời điểm sự cố môi trường mới xảy ra, ông Võ Kim Cự từng chối bỏ trách nhiệm. Việc làm này có cần xem xét để xử lý nghiêm hơn với cá nhân ông Cự?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi, nếu kỷ luật về mặt Đảng và cách chức là nặng nhất với một cán bộ. Có ý kiến cho rằng, ông Cự và các cá nhân nên công khai xin lỗi dư luận, cử tri và nhân dân cả nước. Tôi nghĩ, việc này là do những người vi phạm chủ động.
PV: Nếu Quốc hội đề nghị xem xét ông Võ Kim Cự, cá nhân ông sẽ bỏ phiếu như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Nếu cử tri và nhân dân đã đề xuất miễn nhiệm thì bản thân ĐBQH sẽ bỏ phiếu đồng ý. Tôi cũng không có gì để bảo vệ ông Cự. Xét về bản chất động cơ, mục đích của ông Cự là tốt, sơ suất trong triển khai khó tránh. Thời điểm đưa dự án Formosa vào Hà Tĩnh, nhân dân và nhiều cán bộ Trung ương cũng đều tán thành. Ai cũng muốn có những bước đột phá để thay đổi kinh tế Hà Tĩnh. Nếu ông Cự sơ suất mà cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, hậu quả không nghiêm trọng vậy. Cần xem xét lại vai trò kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ.
Chịu kỷ luật Đảng là hình thức cao nhất và cũng rất đáng thương với ông Võ Kim Cự. Tôi nghĩ việc xem xét tư cách đại biểu ông Võ Kim Cự là tất yếu, chỉ là sớm hay muộn vì còn nhiều quy trình mà cơ quan chức năng phải làm.
PV: Thời gian gần đây, không ít người dân bị đối tượng xấu kích động gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa bàn Hà Tĩnh. Ông kỳ vọng như thế nào việc xử lý kỷ luật cán bộ lần này sẽ củng cố thêm niềm tin trong nhân dân?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Trong cuộc sống, mọi vấn đề đều khó tiên đoán, không có gì tuyệt đối. Sai sót trong cuộc sống hay các quyết định phê duyệt dự án là không tránh khỏi. Sự cố Formosa cũng vậy, do thiếu ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn yếu kém... việc xảy ra là ngoài ý muốn.
Việc công khai danh sách cá nhân, tổ chức đề nghị kỷ luật khiến dân yên lòng. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng sẽ tăng lên.
Người dân cần tin tưởng vào sự giải quyết thấu đáo của Chính phủ, của Đảng, của Nhà nước, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng kích động. Nếu người dân thiếu niềm tin, lập trường, sự tỉnh táo, nội bộ mất đoàn kết là cơ hội để kẻ xấu tấn công.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)