Những nhà máy thuỷ điện được khai thác quá mức đang gây ra hệ lụy khủng khiếp cho môi trường, sinh thái và thiệt hại vật chất, tính mạng người dân. Những dòng sông vốn hiền hoà xưa kia nay thành hung thần, ác quỷ trong con mắt của người dân. Người đưa tin cùng các ĐBQH, chuyên gia đưa ra cái nhìn toàn cảnh về trách nhiệm quy hoạch, quy trình xả lũ thuỷ điện.
Người dân có thể kiện
Nguyên nhân của những hệ lụy có tên thuỷ điện là do quy trình vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập: Mùa khô thì thủy điện tích nước khiến cho những dòng sông ở hạ lưu trở thành dòng sông chết, còn mùa mưa thì xả lũ gây ngập lụt. Thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, còn liên hồ thì lại chưa có nên mạnh ai người nấy xả nước. Rồi khi có cảnh báo, dự báo mưa lũ thì các thủy điện vì lợi ích cục bộ nên ai cũng giữ nước, không chịu xả. Vừa rồi khi dự báo mưa bão lớn các nhà máy thuỷ điện cũng không chịu xả nước nhưng khi hoàn lưu của bão số 15 gây mưa lớn thì họ đồng loạt xả nước, gây ra lụt lội.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ.
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, tác động của việc xả lũ vừa qua phải đi đến cùng trách nhiệm ở đâu? Việc thiên tai là thiên tai nhân tai là nhân tai. Người dân hoàn toàn có thể kiện. Ngày hôm qua họ chỉ ứng phó với thiên nhiên thôi. Hôm nay một lần xả lũ có thể phá vỡ tất cả tài sản của họ cũng như ô nhiễm môi trường.
"Anh xả thải chất độc và xả lũ cũng nguy hại như nhau. Thuỷ điện đã giúp cho những doanh nghiệp làm dự án rất nhanh chóng có sản phẩm điện để bán. Nhưng chúng ta không nhìn thấy, cố tình không nhìn thấy tác động đằng sau nó là phá hại môi trường và nguồn lợi khai thác lâm sản từ thuỷ điện", ông Quốc nhấn mạnh.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đưa ra minh chứng về trách nhiệm trong vận hành thuỷ điện còn chung chung, chưa thấy sự điều tiết của bộ chủ quản: "Tôi lấy ví dụ thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ không cho tích nước cao trình 161m. Nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nên khi nước về đã lên tới cao trình 166m. Nếu có vấn đề xảy ra thì ai chịu trách nhiệm đây? Việc chấp hành, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành hồ chứa còn ngổn ngang, khiến cho cử tri, đại biểu QH day dứt.
Cơ quan quản lý Nhà nước, qua cách trả lời của Bộ trưởng bộ Công Thương trong cuộc họp Quốc hội vừa qua cũng chưa thấy rõ trách nhiệm, nhất là trong câu nói quy hoạch thủy điện là "chúng ta nói về chúng ta" chứ không phải Chính phủ hay bộ này, bộ khác. Bộ chủ quản phải có trách nhiệm, nếu nói như thế là hòa cả làng và không bao giờ sửa sai được.
Bàn về lợi ích nhóm trong cấp phép thuỷ điện, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Chính sách Nhà nước có những lỗ hổng rất lớn và có sự bất hợp lý. Đó là việc phân chia lợi ích. Các tỉnh hạ lưu phải chịu hậu quả mà không được lợi ích nào. Người ta chỉ thấy cái lợi nhiệm kỳ, cái lợi cấp phép mà không thấy cái lợi tổng thể và không lường trước được tính quy hoạch bị phá vỡ ngay từ đầu. Chúng ta chỉ tính không gian lãnh thổ hành chính mà quên mất con sông là dòng chảy liên tục. Tỉnh nào cũng không quan tâm đến thượng lưu, hạ lưu. Đấy là chưa kể, 40- 50 năm nữa hết giá trị khai thác, thuỷ điện ở vùng sâu, vùng xa sẽ biến thành hàng trăm, hàng ngàn quả bom nước nổ chậm không được quản lý".
Bộ Công Thương phải thấy rằng, mặc dù phân cấp quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương, nhưng về mặt vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước phải rà soát chứ. Như sân golf trước đây phân cấp cho địa phương khiến phát triển mạnh, thì sau khi đại biểu phản ứng nay đã sửa rồi. Đó là bài học chúng ta phải rút kinh nghiệm. Với tư tưởng đó, tôi nghĩ dân chịu thiệt, dân còn kêu trời, chịu khổ, đại biểu còn lên tiếng dài dài. Bộ Công Thương nói không có trách nhiệm là vô lý, không thể chấp nhận được. Bởi anh là người quản lý ngành, anh phải có trách nhiệm".
Đồng quan điểm này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Bộ trưởng bộ Công Thương giải trình một cách rất chung chung. Quan trọng nhất là không thấy trách nhiệm ở đâu. Giữa địa phương và Bộ, cao nhất, tôi cho rằng Chính phủ phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước. Mặt khác phải thay đổi tư duy về lợi ích. Giao về cho địa phương, họ cứ làm bằng mọi giá để tăng GDP lên, đến giờ GDP là một chỉ số mang tính hai mặt chứ không chỉ là phát triển".
"Tôi không đồng ý với cách trả lời của bộ trưởng Công thương"
Có ĐBQH ở Sơn La đã xót xa cho rằng người dân di dân nhường đất cho thuỷ điện, nhưng chính những người dân này nhiều năm trôi đi vẫn chưa có điện. Nhìn nhận thực tế này, ĐBQH Nguyễn Thái Học nói: "Tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng di dân tái định cư thuỷ điện rất cao. Nghị quyết của Quốc hội có nêu rà soát, giải quyết dứt điểm, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện, bảo đảm nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đã có gợi ý nghiên cứu để trích một phần lợi nhuận từ các công trình thủy điện để tái đầu tư cho dân nghèo. Tôi còn nhớ rất rõ Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có hứa sẽ phối hợp các bộ, ngành để sớm ban hành chính sách.
Ngày 29/10/2013, tôi có phiếu chất vấn bộ trưởng bộ Công Thương nội dung vì sao đến nay chưa có chính sách dành cho đồng bào nghèo tái định cư thủy điện, vụ trưởng vụ Kế hoạch của bộ Công Thương thừa lệnh Bộ trưởng có trả lời vấn đề ngắn gọn nhiệm vụ này thuộc về bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tôi không đồng tình với cách trả lời như vậy.
Ngày 4/11/2013, tôi tiếp tục có phiếu chất vấn lần thứ hai gửi Bộ trưởng bộ Công Thương, lần này bộ trưởng có văn bản trả lời với nhiều nội dung nhưng vẫn khẳng định trách nhiệm này là Chính phủ giao cho bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học: "Tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng di dân tái định cư thuỷ điện rất cao".
Vấn đề đời sống khó khăn của đồng bào tái định cư tại các dự án thủy điện đã được nhiều ĐBQH, trong đó có tôi nêu ra trong nhiều kỳ họp. Khi Quốc hội ban hành nghị quyết yêu cầu trong năm 2013 có chính sách giải quyết khó khăn cho đồng bào nghèo, chúng tôi rất phấn khởi, báo cáo với cử tri rằng Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này. Chính sách dành cho đồng bào nghèo sẽ được ban hành trong năm 2013. Bà con nghèo rất phấn khởi, tin tưởng và chờ đợi. Với cách trả lời của bộ Công Thương, sau kì họp này chúng tôi không biết báo cáo với cử tri như thế nào.
Tôi đề nghị Chính phủ, bộ trưởng bộ Công Thương nói rõ trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này như thế nào để Quốc hội chúng tôi có cơ sở báo cáo cử tri. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của bộ trưởng bộ Công Thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội".
Trước đời sống còn khó khăn của người dân vùng tái định cư thuỷ điện, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: "Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với bộ Công Thương tiến hành khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và đã có báo cáo gửi cho các Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ đang chỉ đạo lập đề án chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư, các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến trong tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu.
Trên cơ sở đề án này, chúng tôi sẽ trình Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục khó khăn, tồn tại theo tinh thần nghị quyết Quốc hội. Đồng thời cũng trên cơ sở khảo sát này chúng tôi đang chỉ đạo dự thảo để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung. Trong thời gian vừa qua chúng tôi tập trung vào cùng các địa phương có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và sửa đổi những cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện những công trình cụ thể đó".
Vi phạm xả lũ, người dân hạ lưu sẽ lãnh đủ hậu quả
Hơn 400 dự án thủy điện bị loại khỏi danh sách, gần 1.240 dự án của quy hoạch điện 7, 136 dự án bị tạm dừng có thời hạn và 158 dự án khác phải tiếp tục đánh giá lại; 172 vị trí tiềm năng bị đề nghị chưa đưa vào quy hoạch... Đó là kết quả sau đợt rà soát lại vừa qua đối với hệ thống thủy điện trong cả nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều đó cho thấy chất lượng quy hoạch phát triển thủy điện chưa đáp ứng yêu cầu.
ĐBQH Võ Thị Dung nói: "Chúng ta quản lý lỏng lẻo nên đã để lại hậu quả rất nặng nề cho bà con. Chính phủ có báo cáo là chỉ Thủ tướng mới có quyền phê duyệt dự án nhưng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn còn cái gốc là phải rà soát các hồ đang vận hành hiện nay. Cái nào không đảm bảo an toàn cho dân, không đảm bảo nguyên tắc bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân phải đưa ra khỏi quy hoạch. Thậm chí những cái đang vận hành thì chúng ta cũng không đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà phải đảm bảo lợi ích người dân, phải đảm bảo cuộc sống người dân lên hàng đầu".
ĐBQH Võ Thị Dung: Hậu quả từ việc quản lý lỏng lẻo.
Chưa đồng tình về quy hoạch thuỷ điện ở miền Trung, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Phải quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi, vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không? Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý.
"Chúng tôi cũng đề nghị đầu tư xây dựng nhà tránh lũ bằng nhiều nguồn vốn. Tôi biết Bộ trưởng bộ Xây dựng vừa rồi trả lời là hiện nay Chính phủ đang có một đề án xây dựng nhà tránh lũ cho khoảng 40.000 hộ ở những tỉnh thường bị bão lũ. Nhưng khi chúng tôi về tiếp xúc làm việc với các huyện bị bão lũ này, các đồng chí nói là đã có thiết kế nhưng hiện nay không có vốn. Chúng tôi đề nghị Quốc hội, vì đây cũng thuộc trách nhiệm Quốc hội và Chính phủ phải cân đối nguồn vốn để ủng hộ chương trình này của Chính phủ", ĐB Phúc bày tỏ.
Chuyên gia thủy điện Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chưa bao giờ phong trào làm thủy điện phát triển ghê gớm như hiện nay, bởi làm thủy điện rất rẻ, mau hoàn vốn. Mạnh ai nấy làm, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy duyệt. Chẳng có ai quản lý, chẳng có ai chịu trách nhiệm. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, cuối cùng người dân hạ du sẽ lãnh đủ hậu quả.
"Đó cũng là vì cái lợi trước mắt. Nếu các thủy điện xả cạn để đón lũ, lỡ thời tiết không mưa thì năm đó sẽ không đủ nước để phát điện. Không phát điện được thì chủ đầu tư sẽ lâu hoàn vốn. Do vậy, họ cứ tranh thủ tích nước tới đâu hay tới đó để rồi khi lưu lượng nước về quá lớn lại ồ ạt xả vì sợ vỡ đập", ông Tập bức xúc.
Minh Khánh - Cao Tuân