Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đến VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị truy tố các bị can: Bùi Mạnh Quốc (nguyên Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương (nguyên là bác sĩ khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999, nay được quy định tại khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015;
5 bị can còn lại là Trần Văn Sơn (nhân viên phòng Vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư), Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999, nay được quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015.
So với kết luận điều tra bổ sung 2 lần trước đó, bản kết luận lần này đã bổ sung thêm 2 bị can: Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình); Đỗ Anh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn).
Về diễn biến hành vi phạm tội, Bản kết luận điều tra nêu rõ: Ông Trương Quý Dương - Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với công ty Thiên Sơn ngày 25/5/2017 để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2.
Sau đó, ông Đỗ Anh Tuấn lại ký hợp đồng "bán cái" cho công ty Trâm Anh mà không được sự đồng ý của BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Ngày 28/5/2017, ông Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc công ty Trâm Anh đến BVĐK tỉnh Hòa Bình thực hiện việc thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 của Đơn nguyên lọc máu. Quá trình thao tác đã để tồn dư một lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước, chưa lấy mẫu nước để xét nghiệm theo yêu cầu hợp đồng. Dù biết sáng hôm sau Đơn nguyên lọc máu vận hành và sử dụng hệ thống lọc nước RO2 để chạy lọc thận cho bệnh nhân, nhưng do quá tự tin cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên Quốc bỏ mặc cho Đơn nguyên lọc máu sử dụng, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với Trần Văn Sơn - cán bộ phòng Vật tư của bệnh viện, Sơn đã không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, nghe điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước RO2 đã sửa chữa xong. Bác sĩ Lương đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Hậu quả vụ việc đã làm 9 bệnh nhân tử vong.
Theo Bản kết luận điều tra, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã vi phạm các điều khoản tại Quy chế của bệnh viện. Quy chế quy định Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm: Kiểm tra mọi hoạt động của bệnh viện; Quản lý sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện; Tổ chức bộ máy của bệnh viện cho phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Ông Hoàng Đình Khiếu, với vai trò là Phó Giám đốc phụ trách phòng Vật tư – Thiết bị y tế và khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã vi phạm quy chế của bệnh viện. Cụ thể là thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao với lãnh đạo, cán bộ phòng Vật tư trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước RO2; không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa giữa phòng Vật tư thiết bị y tế và Đơn nguyên lọc máu.
Đối với bị can Đỗ Anh Tuấn, trong thực hiện Hợp đồng số 315/BVĐK-TS ngày 25/5/2017 thì Đỗ Anh Tuấn là người có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện các điều khoản đã ký kết nhưng không triển khai, lại để công ty Thiên Sơn thỏa thuận với Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) mà chưa có quy định ràng buộc với Quốc để Quốc có trách nhiệm trong việc kiểm tra, báo giá, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2.
Đỗ Anh Tuấn không triển khai trách nhiệm của công ty Thiên Sơn theo Hợp đồng 315 mà yêu cầu và để mặc cho Bùi Mạnh Quốc tự thực hiện tất cả các khâu như: Khảo sát, báo giá, mua các vật tư thay thế, hóa chất tiệt trùng, sửa chữa thay thế.
Là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Ngọc Biên cho biết, ngay khi có Bản kết luận điều tra, ông đã được thân chủ của mình thông báo về việc này.
Luật sư Biên cho rằng, việc cơ quan CSĐT đề nghị thân chủ mình về tội Vô ý làm chết người là không có cơ sở. “Trong vụ án này, về cơ bản phải xác định được ai là người gây ra việc tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước. Trách nhiệm của bác sĩ Lương có liên quan gì đến việc tồn dư hóa chất này không?”, luật sư Biên đặt câu hỏi.
Luật sư Biên cho biết thêm, không chỉ có bác sĩ Lương và các bị can trong vụ án này lo lắng mà nhiều bác sĩ khác còn đang công tác tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đều cảm thấy buồn và lo lắng. Họ chia sẻ với luật sư rằng: “Chúng tôi sẽ luôn là nguồn bị can, bị cáo khi mà có bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị và có thể bị khởi tố, bị bắt bất cứ lúc nào, vì vậy mà chúng tôi luôn thường trực một nỗi bất an, không yên tâm, tập trung công tác”.