Liên quan đến việc nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bách bệnh, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM), Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM; Chủ tịch Hội Dược học, đã có trao đổi với báo chí xoay quanh nội dung này.
Thưa đại biểu, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã được thảo luận tại hội trường, để Luật đi vào thực chất, bảo vệ được người tiêu dùng theo bà cần phải làm gì?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Đối với Luật này, tôi thấy quãng đường để người tiêu dùng thực hiện được quyền của mình đó là quyền khiếu nại trong trường hợp dịch vụ, sản phẩm không như cam kết vẫn rất phức tạp.
Bên cạnh đó, quy định chưa làm rõ được vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng, nên để Luật đi vào thực tế vẫn rất khó.
Quy định mới đề cập nhiều đến trách nhiệm của người dân phải tự bảo vệ mình, trách nhiệm của doanh nghiệp đền bù, bồi thường thế nào, nhưng vai trò chủ thể của Nhà nước còn mờ nhạt.
Chúng ta cần phân biệt rõ, bởi khi người dân sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm xuất phát từ doanh nghiệp - hoạt động thương mại được cấp phép của Nhà nước thì phải được bảo hộ bởi Nhà nước, không chỉ đơn thuần giống như mua tự do ở đâu đó.
Bà có thể nêu ví dụ cụ thể hơn về việc người dân sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm xuất phát từ doanh nghiệp - hoạt động thương mại được cấp phép của Nhà nước thì phải được bảo hộ bởi Nhà nước?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Tôi lấy ví dụ, đối với trường hợp sử dụng thuốc giả trước đây, bên cạnh việc xử lý cán bộ Nhà nước cũng như doanh nghiệp sai phạm thì khi người dân đã sử dụng thuốc ai là người đền bù, bồi thường? Trong khi những loại thuốc này được cấp phép hợp pháp.
Luật cần bổ sung quy định để thấy rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là cách gián tiếp để người dân, doanh nghiệp sống và làm việc theo pháp luật.
Hiện nay có một thực tế là không ít người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng trong khi chưa được thẩm định rõ về hiệu quả, tác dụng. Là đại biểu trong ngành y, ý kiến của bà như thế nào về việc này?
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Điều này liên quan đến Luật Quảng cáo, người nổi tiếng hay bất kỳ ai khi làm nhiệm vụ quảng cáo thực phẩm chức năng hay bất kỳ sản phẩm nào, nếu là một người tôn trọng pháp luật và tôn trọng bản thân đều cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, tránh việc nói quá tác dụng, gây những nhầm lẫn, hiểu sai của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng khi xem sản phẩm mong chờ thực phẩm chức năng có tác dụng mới bỏ tiền ra mua, thế nhưng kết quả lại không được như vậy, có thể coi là lừa đảo.
Tôi cho rằng, nếu là người tôn trọng pháp luật, người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ khi quảng cáo các sản phẩm vì có thể ảnh hưởng đến những người khác.
Việc nở rộ hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng thông qua người nổi tiếng thời gian qua một phần do sự thiếu ý thức. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần kêu gọi từ chính lương tâm của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Cùng với đó, hơn hết rất cần các chế tài xử lý nghiêm, nội dung này cần được quy định rõ trong Luật Quảng cáo.
Đối với người tiêu dùng cũng phải tập thói quen cần hết sức thận trọng, đừng tin hết những lời có cánh, thường những gì hào nhoáng bên ngoài, được quảng cáo quá đà, thì hiệu quả lại không như thực tế.
Bởi nếu thực tế hiệu quả, có đầy đủ căn cứ khoa học và có tác dụng tốt như vậy thì tự nó đã rất phổ biến. Nếu dễ dàng tin vào những lời quảng cáo, có thể sẽ bị tiền mất tật mang, thậm chí phải trả giá đắt.
Xin cảm ơn đại biểu.
Cần quy định chặt chẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trước đó, phát biểu tại hội trường về Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay có trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bên bán dùng nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mại để bán các sản phẩm bất chấp bên mua có thực sự cần thiết hay không.
Đại biểu kể, trong một lần đi thực tế, ông được người dân phản ánh về hiện tượng doanh nghiệp đi về các vùng nông thôn tổ chức các hội thảo về chăm sóc sức khỏe. Người đến dự hội thảo rất đông khi được phát quà, gồm có 1 gói bánh hoặc một ít gói mì tôm rẻ tiền. Trong hội thảo, ban tổ chức đã lồng ghép vào đó để giới thiệu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc phòng tai biến, thuốc huyết áp, tiểu đường, hoạt huyết dưỡng não… Những thuốc này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc rất đắt tiền.
“Vì nghe nói đến tác dụng của các sản phẩm này, người dự hội thảo mua rất nhiều, chủ yếu người cao tuổi, người mua ít cũng hết 1-2 triệu, có người mua đến 15-20 triệu. Khẳng định thuốc này không phải hàng giả, cho nên người dân đổ xô đi mua. Tuy vậy, không phải ai cũng cần phải dùng thuốc này cả, cho nên dùng một thời gian, người dân bảo bị lừa”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là qua kiểm tra thì không phải bị lừa. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không hề có vi phạm nào, nên không thể bắt những trường hợp này được.
“Mà oái oăm thay, doanh nghiệp này lại lấy chính hình ảnh của cơ quan chức năng đi kiểm tra để khẳng định họ làm đúng, không có gì sai cả, việc họ mua bán là cần thiết, người dân lại càng mua. Đấy là một sự tranh thủ, sự kém hiểu biết, sự không có thông tin của người dân để trục lợi” đại biểu Gia cho hay và đề nghị trong dự thảo luật lần này phải tính đến tình huống này để có quy định chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.