Hơn nửa thế kỷ nay, người dân Hà thành và phật tử bốn phương vẫn không ngớt truyền tai nhau về cuộc đời đẹp như “cổ tích” của sư cụ Thích Đàm Ánh, trụ trì chùa Phụng Thánh (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội). Người đương thời đã không ngần ngại ban tặng cho bà nghệ danh “đệ nhất cơm chay Hà thành” với tài năng bách nghệ và tấm lòng từ bi hỉ xả như bồ tát.
Sư cụ Thích Đàm Ánh đang được bác sĩ điều trị bệnh
Đệ nhất cơm chay Hà thành
Phải chờ đợi rất lâu chúng tôi mới có thể vào thăm sư cụ Thích Đàm Ánh do các bác sĩ đang chăm sóc cho cụ. Căn bệnh tai biến quái ác hành hạ hàng chục năm nay đã không thể đánh gục “người con” của Phật đã ở tuổi gần đất xa trời này. Vậy mà, chẳng ai ngờ, cách đây hai tháng, cụ bỗng nhiên bị liệt và nói năng rất khó khăn. Thật may mắn, chúng tôi được người em ruột của cụ là bà Đào Thị Bích Liên, vừa từ miền Nam bay ra thăm chị “phiên dịch” giúp.
Theo lời kể của bà Liên, chị gái bà hồi nhỏ tên là Đào Thị Đỏ, sau này tu hành mới lấy pháp hiệu là Thích Đàm Ánh. “Tôi kém chị ấy hơn chục tuổi, lúc tôi sinh ra chị ấy đã được bà ngoại đưa vào chùa nên không được gặp mặt nhiều. Dù vậy, tôi vẫn được mẹ kể cho nghe rất nhiều chuyện “kỳ bí” từ khi chị mình mới lọt lòng. Được biết, lúc mới sinh, chị ấy tròn vo như một cục thịt, thân thể tím tái như cục máu đông. Cả nhà rất lo lắng, liền cậy nhờ đến một thầy tướng số trong làng. Người này nói, chị tôi là con cầu tự ở Chùa Hương nên nhất định không được cho nằm trên chiếu mà phải nằm trên tấm ván gỗ. Thế là cả nhà cuống cuồng thuê người đóng ván cho chị. Lạ kỳ thay, ván vừa đóng xong, cơ thể chị ấy liền chuyển từ tím tái sang đỏ hỏn như trẻ sơ sinh bình thường. Từ đó, mọi người gọi chị ấy là Đỏ”, bà Liên kể lại.
Năm lên 10, bà ngoại gửi chị ấy vào nương nhờ nơi cửa Phật tại chùa Âm Hồn (Vạn Linh, Bắc Giang). Cuộc sống tu hành khổ hạnh, cái đói, cái rét ngấm sâu vào da thịt trở thành thứ thử thách lòng thành tâm của chị Đỏ. Rồi một ngày, duyên kiếp cũng đến, chị ấy trở thành Ni trưởng trụ trì chùa Phụng Thánh (Khâm Thiên), lấy pháp hiệu là Thích Đàm Ánh.
Sư Ánh cũng kể cho chúng tôi nghe, kỷ niệm “có một không hai” khi chính bà “vào bếp” làm cơm chay tiếp đãi đoàn khách Ấn Độ. Sự là, nhân chuyến thăm chính thức nước ta của cố Thủ tướng Indira Gandhi, phía bạn có đề nghị muốn được thưởng thức một bữa tiệc chay mang đậm phong cách Việt. Sư bà Đàm Ánh được “chọn mặt gửi vàng” làm việc này. Mâm cỗ chay với đầy đủ giò, chả, 3 bát, 6 đĩa như một bữa cỗ Việt thuần túy đã khiến các vị khách nước ngoài mắt tròn mắt dẹt. Là người đến từ đất nước thủy tổ của đạo Phật, lại “sành” cơm chay hơn bất kỳ ai nhưng bà Thủ tướng Ấn Độ vẫn không khỏi ngạc nhiên trước tài năng của sư Ánh. Sau này, cố Thủ tướng Ganhdi vẫn tấm tắc khen món cốm, thịt gà làm từ măng và cá sốt chua ngọt chế tác từ hoa chuối do “đầu bếp” Thích Đàm Ánh “sáng tạo” ra.
Một cây thiện cho ngàn quả thiện
Trò chuyện với chúng tôi, bà Liên kể: “Có lẽ vì tuổi thơ khổ đau và nghiệt ngã mà chị tôi lúc nào cũng đau đáu làm việc thiện giúp đời. Chị ấy vẫn thường nói: “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”. Hơn nửa đời người, chẳng ai có thể thống kê được bước chân của sư cụ Thích Đàm Ánh đến với mọi miền đất nước. Ở đâu có khổ đau, ở đó có sư Ánh; ở đâu có nước mắt, nơi đó có tình thương của cụ. Cụ đem đến nguồn sáng dù là nhỏ nhoi nhất cho cuộc đời của dân nghèo".
Người em gái của sư Ánh cho biết: “Chị ấy đã đi gần hết đất nước Việt Nam để làm từ thiện bằng chính những đồng tiền dành dụm, tích cóp được. Chị ấy thường dạy: Một cây thiện cho ngàn quả thiện, mang được một ít mắm, ít muối, ít gạo đến với những mảnh đời khốn khó còn hơn một đời ăn chay, niệm phật”.
Theo lời kể của tăng ni trong chùa, những năm đầu về nhận chùa Phúc Thánh, nơi đây còn là một đống hoang tàn, đổ nát do máy bay Mỹ tàn phá. Sư Ánh phải may áo, làm tương, ướp chè sen, chè nhài và nấu cỗ chay... để kiếm tiền kiến thiết chùa và giúp đỡ người nghèo. Bà Liên kể lại: “Sư cụ Ánh rất khéo tay và tỷ mẩn. Tuy mắt kém, nhưng vào mùa sen, cụ tự tay cần mẫn ngồi tỉa hoa lấy tâm sen, chọn từng cân trà ngon để ướp bán lấy tiền xây chùa. Cụ cũng chọn những quả cà thật to, ướp vào trong lọ tương do cụ tự nấu, sau đó đem đi bán. Do được ngâm trong tương nên quả cà giòn tan, đậm đà hương vị của tương, không lúc nào ngớt khách mua. Số tiền kiếm được sư cụ dành toàn bộ giúp đỡ các trại phong, trung tâm nuôi dưỡng thương binh, trẻ mồ côi, người già cô đơn trên toàn quốc...”.
Bước chân sư cụ Đàm Ánh đã đến rất nhiều nơi để đem niềm tin cho người nghèo. Từ những vùng ảnh hưởng của cơn bão Chanchu, lũ quét ở Văn Chấn (Yên Bái), lở núi ở Nghệ An, đến các nghĩa trang liệt sĩ và trẻ em nghèo... đều in dấu chân sư cụ Đàm Ánh. Một tăng ni trong chùa kể lại với chúng tôi kỷ niệm, khi cơn bão Chanchu quét qua các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại cho đồng bào nơi đây, chùa không có đủ tiền, sư cụ Đàm Ánh đã đi vay 150 triệu đồng và quyên góp được 12 triệu đồng để đi giúp đồng bào. “Lần đó, thấy cụ đi vay mượn, một nhà hảo tâm đã tự nguyện ủng hộ 30 triệu đồng làm từ thiện. Tổng cộng, sư cụ quyên góp được 168 triệu đồng đến trao cho các gia đình nạn nhân ở tỉnh Quảng Nam. Cụ còn nói: “Tiền tôi đi vay, tôi sẽ làm chè và tương trả dần. Trong thâm tâm tôi nghĩ, vay mượn để giúp cho người hoạn nạn thì cũng không sao, miễn là mình phải trả đàng hoàng”", vị tăng ni cho biết.
Hiện sư cụ Thích Đàm Ánh đã 87 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời nhưng lúc nào cụ cũng tâm niệm: “Còn hơi thở, tôi sẽ còn giúp những người khốn khổ. Với tôi, khi sinh ra không mang theo vật nào thì đến lúc xuống suối vàng tôi cũng sẽ không mang theo bất cứ thứ gì. Đức Phật dạy, danh lợi giống như nén hương. Thắp lên, hương thơm chưa kịp lan tỏa thì đã tàn. Tôi chẳng cần gì cả, chỉ mong sao có sức khỏe thật tốt và làm hết sức mình để có tiền, có thể chia sẻ bớt khó khăn cho người nghèo...”.
Lòng thành mong quốc thái dân an Cũng chính tại chùa Phụng Khánh, người đời đã phong cho sư Ánh nghệ danh “đệ nhất cơm chay đất Hà thành”. Tăng ni trong chùa cũng cho biết, “kỹ nghệ” làm cơm chay của sư Ánh không chỉ khiến giới phật tử trong nước say lòng mà cả những vị khách quốc tế cũng bội phần ngưỡng mộ. Nhiều lần, sư cụ sang nước ngoài “biểu diễn” và trổ tài nấu nướng trước hàng ngàn khách quốc tế và khiến họ mê mẩn.Trò chuyện với chúng tôi bằng giọng thều thào, khó nhọc, sư cụ Thích Đàm Ánh tâm sự: “Tôi làm cỗ chay không phải để mua cái sự nổi tiếng. Hàng năm nhà chùa đều mở tiệc chay vào tháng Giêng có khi lên tới vài trăm mâm nhưng đó đều là lòng thành của mọi người với ước mong quốc thái dân an chứ không mảy may vụ lợi”. |
Anh Đức