Người ta đang nghi ngờ công tác phòng ngừa bệnh của ngành y tế sau quá nhiều "sự cố" đình đám xảy ra.
Bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng!
Có mặt tại khoa Vi rút Ký sinh trùng (bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), chúng tôi chứng kiến hàng chục bệnh nhân đang mong ngóng đến lượt khám của mình, xen lẫn trong số đó là những bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Chị Trần Thị Hằng (trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Cách đây vài ngày, tôi thấy người mệt mỏi, đầu đau và có những biểu hiện khó chịu. Tôi nghĩ, chỉ là bệnh thông thường do thay đổi thời tiết, ai ngờ ngày càng sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi. Thậm chí, có những lúc tôi bị nôn, đau vùng thượng vị và bị tiêu chảy. Trước diễn biến như vậy, tôi phải vội vàng tìm đến bệnh viện để khám, điều trị dứt điểm căn bệnh mà mình mắc phải. Rất may, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sỹ kết luận bệnh ở thể nhẹ, chỉ cần mua đơn thuốc về uống sẽ khỏi".
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Hoàng Hùng, trú tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội phân trần: "Con trai 9 tuổi của tôi bị viêm họng, thỉnh thoảng lại kêu đau bụng. Qua theo dõi, tôi thấy cháu bị sốt cao liên tục, sau khi hạ sốt lại có những nốt đỏ li ti nổi khắp người. Toàn thân cháu ngứa ngáy, khó chịu. Ngay lập tức, gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện khám, bác sỹ kết luận cháu bị bệnh sốt xuất huyết và kê đơn mua thuốc về nhà điều trị ngoại trú. Không chỉ bệnh sốt xuất huyết mà bệnh đau mắt đỏ hiện cũng đang có dấu hiệu lan nhanh, tôi có người nhà dưới quận Hà Đông (Hà Nội), nhà có 4 người thì cả 4 người bị mắc bệnh đau mắt đỏ".
Tương tự, tại khoa Khám bệnh của bệnh viện đa khoa Hà Đông, người dân đến khám, điều trị về bệnh sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng tăng nhanh. Theo bác sỹ Cao Đức Chinh, khoa Cấp cứu bệnh viện Hà Đông thì: "Nếu như trước kia chỉ lác đác vài ba trường hợp thì hiện tại, mỗi ngày bệnh viện khám, điều trị cho hàng chục bệnh nhân. Trong đó đa phần là những bệnh nhân đến từ vùng ổ dịch mới xảy ra trên địa bàn và phụ cận quận Hà Đông".
Ngành y tế vẫn liên tục kiểm tra công tác phòng ngừa bệnh dịch nhưng bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cung cấp thông tin: "Hiện tại, lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, đa số trường hợp bệnh nhân đều ở thể nhẹ, trường hợp nặng thì được nhập khoa điều trị. Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khẳng định: "Mỗi ngày có khoảng 3 - 4 bệnh nhân vào viện nằm điều trị bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, có nhiều loại chủng bệnh khác nhau. Tất cả những trường hợp này đều do bệnh nhân tự đến khám và bệnh nặng phải nằm điều trị chứ không phải là những trường hợp bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên". Cũng theo bác sỹ Cấp, tháng 8, có 74 bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết thì trong tháng 9, dự kiến số lượng bệnh nhân nằm điều trị sẽ tăng lên hàng trăm. Riêng với những bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, đến khám ngay thì khi khám xong, bác sỹ kê đơn thuốc, cho về nhà điều trị và sau đó đến tái khám. Số lượng này hàng ngày lên tới hàng chục người.
Ổ dịch đã hoành hành, người dân vẫn chủ quan
Hà Nội phát hiện nhiều chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết phức tạp Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết, tuần qua trên địa bàn cả nước đã ghi nhận 1.739 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong. Tính từ đầu năm đến nay đã có 39.808 trường hợp mắc tại 47 tỉnh, thành phố và 25 trường hợp tử vong. Hiện nay, tại Hà Nội đã phát hiện nhiều chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết phức tạp. Vì thế, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh, tránh phát và lây lan bệnh. |
Tại Hà Nội, thời điểm này, dịch sốt xuất huyết đã bước vào giai đoạn cao điểm với số bệnh nhân mỗi tuần tăng gấp 3, thậm chí 4 lần so với các tuần trước đó. Số liệu thống kê của trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, tích lũy số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 761 người, tăng 1,54 lần so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc bệnh này có xu hướng tăng mạnh. Nếu như những tháng trước đó, trung bình mỗi tuần có khoảng 10 - 30 bệnh nhân được ghi nhận thì trong 3 tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận 70 - 90 trường hợp mắc. Bệnh nhân rải rác tại 27 quận, huyện và 178 xã/ phường trên toàn thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại các quận/ huyện như: Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên...
Đến nay, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã xử lý triệt để 115 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, do tại một số khu vực, người dân còn chủ quan, không hợp tác. Theo TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tại một quận nội thành có nhiều ổ dịch, khi các đoàn công tác của cơ quan y tế đến khoanh vùng, xử lý ổ dịch thì có tới 30% số hộ vắng mặt, đặc biệt có tới 26% số hộ có mặt nhưng không hợp tác, ngăn cản không có cán bộ dịch tễ vào diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Điều này làm giảm tác dụng phòng dịch bởi theo quy trình, muốn xử lý một ổ dịch phải khoanh vùng và xử lý triệt để.
Đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 9, 10?
Cũng theo TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, qua công tác chủ động giám sát, khoanh vùng ổ dịch và xét nghiệm virus, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phát hiện virus sốt xuất huyết dengue năm nay lưu hành cả 4 type (chủng) gồm D1, D2, D3 và D4, trong khi những năm trước thường chỉ có 1-2 type virus lưu hành mạnh. Điều này làm gia tăng yếu tố lây truyền bệnh. Thực tế, khá nhiều bệnh nhân mắc 1 type virus sốt xuất huyết dengue này vừa được chữa khỏi thì lại mắc phải type virus sốt xuất huyết dengue khác.
Thực tế, đây mới chỉ là thời điểm mới bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Theo kinh nghiệm, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 9-10 hàng năm, vì thế, trong thời gian tới số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết còn tăng mạnh. Người đưa tin đặt câu hỏi, dịch bệnh xuất hiện nhiều, chủng virus gây bệnh phức tạp có phải là hệ lụy của những "sự cố" về tiêm chủng, tiêm phòng, về cách quản lý và điều hành của ngành y tế, một vị có hơn 40 năm làm về y tế dự phòng (xin được ẩn tên) gật đầu đồng ý.
Vị này cho biết, nếu không siết chặt việc quản lý công tác phòng ngừa bệnh dịch, công tác khám chữa bệnh thì không chỉ dịch sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, bệnh về đường hô hấp bùng phát mà nhiều dịch bệnh khác như dịch cúm gia cầm... cũng sẽ bùng phát mạnh mẽ với những loại virus mà khó có loại thuốc nào đặc trị được.
Quỳnh Chi