Tôi đã từng một thời thất vọng và nghĩ mình bất hạnh khi trải qua một tuổi thơ có bố mẹ buôn bán- kinh doanh mà quên cả con mình. Tôi từng nghĩ mình chẳng được quan tâm. Trong khi bạn bè tôi đi học về muộn nửa tiếng, một tiếng là bố mẹ chúng cuống cả lên. Trong khi tôi bỏ nhà đi bụi 3 ngày, đến lúc bố mẹ tụi bạn đến nhà tôi tìm con họ thì bố mẹ tôi mới biết tôi 3 hôm rồi không ngủ ở nhà.
Nhưng thực ra, tôi sai rồi! Bố mẹ chưa bao giờ vô tâm với tôi. Chỉ là đứa trẻ nào cũng vậy, hay nhạy cảm với những điều chúng tưởng tượng ra. Khi có con rồi, đôi lần tôi chểnh mảng với các con, tôi lại nhớ mình đã từng là chúng, mình đã từng hiểu sai cha mẹ. Thế nên tôi mới thường nói với con mình về việc tôi yêu chúng thế nào. Nhiều hơn nữa! Nhiều nhất có thể!
Tiếc rằng trong cuộc đời này không phải mấy cha mẹ hiểu con mình nghĩ gì, đặc biệt là khi chúng đang tuổi chớm lớn. Thế nên, trong suốt 12 năm làm Chánh Văn, tôi vẫn thường nhận được những lá thư kiểu “để sau đi” như thế! Của những đứa trẻ khát khao sự quan tâm của cha mẹ.
Ai đó sẽ bảo: Sự quan tâm thực sự con cái sẽ nhìn ra. Nhưng tôi dám chắc rằng 90% chúng sẽ nhìn ra khi chúng... đã già! Còn lúc 13-19 tuổi, thứ chúng nhìn thấy sẽ luôn chỉ là cha mẹ quan tâm mình chưa đủ! Thế nên tôi vẫn muốn nhắn các cha mẹ hãy nói ra nhiều hơn. Yêu thương thì cần hành động. Và nói cũng là một trong số những hành động cần làm vậy!
“Để sau đi” không bao giờ là một điều tốt cả. “Để sau đi” với những yêu thương thì càng tệ! Không chỉ là với con cái, với bạn đời, với bạn bè... mà còn là cả với chính mình, chính những ước mơ, muốn mong, hy vọng của mình nữa! Đừng nói nữa câu “để sau đi” khi bạn có thể làm nó “ngay lúc này”.
Những ngày cuối năm bận rộn, đừng “để sau đi” rồi năm tháng phủ bụi mờ nhau...
Nhà văn Hoàng Anh Tú