Thực tế, không riêng môn tiếng Anh có tranh luận về đề thi, đáp án môn Lịch sử cũng tương tự. Cụ thể, nhiều giáo viên cho rằng đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có một số câu hỏi chưa ổn, chưa chặt chẽ, chưa tường minh. Đầu tiên là liên quan đến đáp án đúng “Chiến tranh đặc biệt” (câu 20 - mã đề 318 và câu 22 - mã đề 302). Lúc đầu, đáp án của Bộ là "Chiến tranh Cục bộ". Lý giải cho việc cập nhật lại đáp án này, bộ GD&ĐT khẳng định do "bản thông tin ban đầu được sao chép từ đĩa nén, có lỗi nhảy ô và nhòe chữ. Đây là lỗi về kỹ thuật".
Ngoài ra, cũng xuất hiện tranh luận về câu hỏi xác định “không gian” lịch sử: Câu 5 (mã đề 304), câu 9 (mã đề 306), câu 1 (mã đề 314), câu 1 (mã đề 320).
Cụ thể câu hỏi: "Trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở Việt Nam tổ chức nào dưới đây ra đời sớm nhất?
A. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
B. Đông Dương Cộng sản đảng.
C. An Nam Cộng sản đảng.
D. Đông Dương Cộng sản liên đoàn".
Đáp án đúng mà bộ GD&ĐT đưa ra là "A. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên". Nhưng tổ chức này lại ra đời tháng 6/1925 ở Quảng Châu, Trung Quốc, chứ không phải ở Việt Nam.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng: “Bộ có thể xem thường 0,25 điểm nhưng với học trò thì nó có thể quyết định thay đổi cả cuộc đời. Trong thi cử, 0,25 điểm rất quý, bởi nó đôi khi là ranh giới giữa trượt và đỗ. Với các thí sinh đỗ, điểm cao thì bình thường nhưng với các em ở ngưỡng xấp xỉ sẽ rất quan trọng”.
Ths.Trần Trung Hiếu phân tích: “Thực tế với môn Sử, ngay sau khi kết thúc môn thi, Bộ công bố đáp án đã có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, Bộ không thừa nhận sai. Bởi nếu thừa nhận sai thì phải sửa, sửa ở đây không chỉ ở thủ tục hành chính mà còn liên quan đến số phận các thí sinh.
Một điều dễ nhận ra là, không chỉ riêng bộ GD&ĐT mà nhiều Bộ, ngành khác ít khi thừa nhận sai. Khi thấy sai, tất cả đều cố gắng tìm các lý do thuyết phục để biện minh cho cái sai đó. Họ không muốn thừa nhận sai vì danh dự, họ tìm mọi cớ để biện minh cho cái sai đó để cuối cùng là đúng. Họ muốn biến cái sai thành đúng. Tôi đơn cử như môn Lịch sử, ban ra đề thi của Bộ khẳng định đáp án môn Lịch sử hoàn toàn đúng là điều không chấp nhận được. Đó là sự bảo thủ, coi thường dư luận, coi thường học vấn của nhiều người trong xã hội”.
Ths. Trần Trung Hiếu nhấn mạnh thêm: “Bộ cập nhật lại đáp án một câu hỏi mà đáp án là “Chiến tranh đặc biệt”. Rõ ràng là sai, sai do người mà cuối cùng lại đổi do kỹ thuật. Tôi nhớ ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT đã nói như vậy về việc cập nhật lại đáp án. Đó là bậy!
Giáo viên, học sinh đều có kiến thức mà lại trả lời như cho trẻ con, chứng tỏ họ đang xem thường chúng tôi, xem thường dư luận xã hội. Lẽ ra, ngay sau khi kỳ thi THPT Quốc gia kết thúc, dư luận có ý kiến về đề thi, Bộ nên xem xét thấu đáo và sai thì nên thừa nhận để sửa sai. Không ai có thể hoàn hảo được, đã làm thì có thể có sai. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu Bộ thừa nhận thì dư luận, giáo viên sẽ cảm thông, chia sẻ. Còn đến bây giờ, việc sửa sai sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều”.
Thơm Lan