Cấu trúc đề quen thuộc, dễ dàng phân hóa được học sinh
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, Thạc sĩ Phan Thế Hoài cho biết, cách ra đề thi môn Ngữ Văn khá hay, dễ dàng phân hóa học sinh.
“Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc quen thuộc với thí sinh vì dạng đề này tương tự như những năm trước. Học sinh đã được luyện tập, làm bài kiểm tra kể cả thi thử nên các em không gặp trở ngại ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội”, Thạc sĩ Phan Thế Hoài cho biết.
Phần đọc hiểu, ngữ liệu cho đoạn thơ “Con đường của những vì sao” (Nguyễn Trọng Tạo) có nội dung tường minh, dễ hiểu, mang tính giáo dục, phù hợp với mục đích kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Câu 1 (nhận biết), thí sinh cần xác định thể thơ tự do. Câu 2 (thông hiểu), tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ: trong, tinh khiết, khoẻ, mơn mởn. Câu 3 (vận dụng thấp), biện pháp tu từ so sánh: tuổi trẻ - sao trời, tuổi trẻ - lửa. Nhấn mạnh vai trò của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. Câu 4, tác giả trân trọng, biết ơn, ghi nhớ sự xả thân của tuổi trẻ cho Tổ quốc.
Đa số thí sinh sẽ lấy được trọn điểm ở phần này. Riêng câu 3, câu 4, các em cần trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 3-4 câu, thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình hợp lý thì giám khảo sẽ cho điểm tuyệt đối.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội (vận dụng cao), bàn về trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc tiếp bước cha anh. Gợi ý: tuổi trẻ cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,…Yêu thương, giúp đỡ đồng bào, những người gặp hoàn cảnh khó khăn để lan tỏa nhiều hơn những thông điệp tốt đẹp cũng như khiến cho cuộc sống này tốt hơn.
Chúng ta cũng luôn chuẩn bị cho mình một tinh thần vững chắc, sẵn sàng đứng lên đấu tranh khi đất nước cần...
Câu nghị luận văn học gây bất ngờ cho cả học sinh và giáo viên vì đề mang tính phân hoá rất cao. Đề phù hợp trong việc xét tuyển đại học theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thí sinh cần phân tích được nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu). Từ đó liên hệ với chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Học sinh trung bình có thể đạt mức 2,5/5 điểm, học sinh khá đạt từ 3 điểm đến 3,5/5 điểm, học sinh giỏi dao động từ 3,75 điểm đến 4,25/5 điểm. Thí sinh thực sự có năng khiếu văn chương, biết đưa kiến thức lý luận văn học vào bài làm, hoặc có góc nhìn mới mẻ thì mới có khả năng đạt ngưỡng 4,5 đến 5 điểm/5 điểm.
Điều đáng quan tâm là, câu nghị luận văn học chiếm một nửa số điểm của bài thi ra tác phẩm ở chương trình học kỳ 2, là quyết định đúng đắn của ban ra đề thi. Bởi học kỳ 1, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước phải học trực tuyến phòng tránh dịch Covid-19.
“Nhìn chung đề thi ra đúng trọng tâm, sát chương trình học của học sinh. Học sinh có thể làm bài đạt điểm trung bình, có thể đa số đạt 6-6,5 điểm, trên 7 điểm phải có học lực khá, và từ 8 trở lên phải học thực sự giỏi. Tuy nhiên, để có điểm cao, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức chắc, nắm được các phương pháp làm bài, hiểu biết sâu về vấn đề đã học, đồng thời phải có ý tưởng mới, sáng tạp, biết vận dụng thực tế...
Cách ra đề thi năm nay khá hay, phân hóa được rõ ràng trình độ của học sinh. Và, với cách ra đề này, chắc chắn việc học tủ, học vẹt sẽ rất khó đạt kết quả cao", Thạc sĩ Phan Thế Hoài chia sẻ thêm.
Đề bám sát cấu trúc của Bộ GD&ĐT
Nhận định về đề thi môn ngữ Văn, TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi năm nay bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Ở phần Đọc hiểu hiểu gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức thí sinh.
Nhìn chung phần này khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.
Ở phần Làm văn (7,0 điểm) vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm. Theo đó, đối với câu 1 nghị luận xã hội, nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng – đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ.
Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng…
Hơn thế nữa, nếu thí sinh không đọc kĩ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.
Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc “tiếp bước thế hệ đi trước” bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển.
"Nhìn chung đề thi năm 2022 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo", TS. Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Nguyễn Lành