Đánh giá cơ bản về đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm nay, giáo viên Ngữ văn Phạm Minh Nhật đánh giá: “Đề thi năm nay có sức phân loại học sinh tốt. Nếu các thí sinh ôn tập kỹ thì làm bài thi môn Ngữ văn không quá khó khăn để giành điểm cao”.
Theo thầy Nhật, cấu trúc đề và phổ điểm có sự thay đổi nhỏ so với năm 2018, 7 điểm nằm ở phần I (phần Văn và phần tiếng Việt), 3 điểm phần II (đọc hiểu và nghị luận xã hội). Trong khi đó, đề thi chính thức năm 2018 phân bố 6 điểm trong phần I và 4 điểm trong phần II.
Vì vậy, phần I năm nay quan trọng và chiếm nhiều điểm hơn, các thí sinh chỉ cần làm tốt phần này là đã nắm chắc trong tay một điểm số khá tốt. Câu I kiểm tra các kiến thức phần Văn và phần tiếng Việt, với mức độ khá đơn giản, thí sinh có thể làm tốt.
Thầy Nhật đánh giá câu nghị luận văn học trong đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó, bài thơ “Sang thu” (Hữu Thỉnh) đã quá quen thuộc và dễ phân tích, cảm nhận.
Tuy nhiên, ngoài việc bắt buộc phải nắm chắc kỹ năng tổng-phân-hợp sử dụng kiểu câu bị động và thành phần cảm thán, các thí sinh cũng cần có những cảm nhận tinh tế và sâu sắc, hiểu rõ dụng ý của tác giả để thổi hồn vào bài viết. Đó là một yếu tố rất quan trọng để giành điểm cao.
Thầy Nhật cũng phân tích: “Về câu nghị luận xã hội nằm trong phần II của đề, suy nghĩ về “hoàn cảnh khó khăn bắt buộc phải khắc phục”, đây là đề bài dễ liên hệ, từ những khó khăn trong cuộc sống dẫn đến thử thách con người.
Phần đọc hiểu đã giúp các thí sinh chỉ ra lập luận về nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thành công, cũng sẽ trở thành những ngữ liệu hữu ích cho phần viết đoạn văn nghị luận xã hội về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình?
Đây là một đề khá quen thuộc, và cũng rất gần gũi với các bạn học sinh nên các em sẽ dễ viết. Thí sinh cần lưu ý những yêu cầu về dung lượng (12-15 câu), về tiếng Việt (phép liên kết câu) và phải có những dẫn chứng cụ thể, phù hợp để đoạn văn tăng tính thuyết phục. Các thí sinh chỉ cần lập luận logic và liên hệ thực tiễn sinh động là nắm trọn vẹn điểm”.
“Theo tôi, đề thi này cũng vừa sức với các thí sinh trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại Hà Nội”, giáo viên Ngữ văn Phạm Minh Nhật khẳng định.
Các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay sau khi hoàn thành môn Ngữ văn cũng rạng rỡ bước ra từ phòng thi.
Thí sinh Nguyễn Đình Hiếu cũng tự tin với bài thi khi là thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất tại điểm thi trường THPT Cầu Giấy. Theo Hiếu, đề thi Ngữ văn năm nay dễ kiếm điểm so với đề thi chính thức năm 2018 và tương đương với đề thi thử năm 2019.