Về phạm vi đề thi: Mặc dù các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12 (80%).
Các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 xuất hiện với tần suất ít hơn (chiếm khoảng 20% tổng số câu) và kiến thức tập trung chủ yếu phần Tổ hợp – Nhị thức - Xác suất (chiếm 4 câu); phần Lượng giác (chiếm 1 câu thuộc cấp độ vận dụng); hình học không gian gồm 3 câu hỏi là các bài toán đều liên quan đến góc; phần kiến thức về dãy số cũng xuất hiện 1 câu thuộc cấp độ vận dụng.
Về cấu trúc đề thi và độ khó: Đề có sự sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức. Đề thi bám sát định hướng đánh giá năng lực người học và phù hợp với tinh thần đổi mới hoạt động dạy và học hiện nay.
So với đề thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo 2018 có độ khó hơn hẳn. Điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng nhưng đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của từng câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh và làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh.
Đặc biệt, mỗi nội dung kiến thức đều được hỏi ở các mức độ từ dễ đến khó, có vận dụng kiến thức Toán vào các bài toán thực tế (bài toán lãi xuất câu 22).
Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao rơi vào khoảng 8-10 câu hỏi cuối (câu 42-50). Các câu hỏi này thường rơi vào chuyên đề Hình học không gian, hình Oxyz và đặc biệt là câu Tích phân (câu 50). Với phần kiến thức lớp 11, câu 49 thuộc chuyên đề Xác suất cũng là một câu hỏi khó đối với thí sinh. So với đề thi THPT quốc gia 2017, rõ ràng đề thi THPT Quốc gia 2018 thể hiện tính phân loại mạnh hơn hẳn.
Kết luận: Với nội dung và cấu trúc đề tham khảo vừa công bố, các em học sinh nên sớm có lộ trình ôn tập hợp lý. Trước tiên, cần phải hoàn thành sớm các nội dung của chương trình lớp 12; tiếp đến ôn tập phần kiến thức của lớp 11 đặc biệt là kiến thức trọng tâm chiếm tỉ trọng nhiều câu hỏi (Tổ hợp – Nhị Thức – Xác suất)
Đề thi môn toán xem tại đây.