Áp lực tăng cao trước tình hình bình thường mới
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong cộng đồng, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn đang lo lắng về môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.
Trước những lo lắng của không ít phụ huynh, học sinh, nhà văn Bùi Ngọc Phúc nhìn nhận: “Khác với mọi năm, kỳ thi vào 10 năm học 2022-2023 diễn ra trong tình hình dịch bệnh kéo dài. Trong khi lứa học sinh sinh năm 2007 có 3 năm học trực tuyến, điều này dẫn đến chất lượng học tập giảm sút. Phụ huynh và mọi người đều rõ, học trực tuyến có giảm tải, nhưng kỳ thi vào 10 vẫn áp lực như trước. Bởi thế, phụ huynh mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thứ 4 để giảm áp lực cho các con.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, phương thức tuyển sinh chắc không thay đổi, do thời điểm đó, các con đều được tiêm vắc-xin rồi, như vậy việc bỏ môn thứ 4 là cần thiết. Thực tế, để đảm bảo chất lượng đầu vào không ảnh hưởng đến môn thứ 4, nhiều địa phương đã bỏ từ kỷ thi năm ngoái”.
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc cũng nói thêm: “Không thể so sánh giai đoạn các con học online năm nay với năm học trước, vì thời điểm năm ngoái, dịch chưa bùng phát mạnh như năm nay, số ca F0 vẫn trong ngưỡng an toàn, tâm lý học sinh sinh năm 2006 ít bị tác động.
Nếu Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn kiên quyết giữ môn thi thứ 4, như vậy mục tiêu giảm tải chương trình như yêu cầu của bộ GD&ĐT không đảm bảo, thậm chí, áp lực còn tăng cao, trong tình hình bình thường mới. Điều phụ huynh cần là Sở nên lắng nghe và đổi mới”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội) bày tỏ: “Trước hết, tôi rất ủng hộ với quan điểm phải giáo dục toàn diện của Sở GD&ĐT Hà Nội, làm sao để trong quá trình học tập của các con, tất cả các môn đều phải được coi trọng, học tập một cách nghiêm túc để có chất lượng.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay, học sinh đã có một học kỳ I rất vất vả, vừa lo lắng về dịch bệnh, vừa lo lắng về việc học tập, khi không được đến trường, phải ở nhà lâu dài cũng ảnh hưởng không ít đến thể chất và tinh thần. Điều đó chắc chắn cũng tạo những áp lực nhất định lên học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đến thời điểm hiện nay vẫn còn những diễn biến phức tạp, học sinh lớp 9 cũng chưa xác định được ngày quay trở lại học trực tiếp mà cho dù có học trực tiếp cũng chưa thể đảm bảo không còn bị gián đoạn mà phải trở về trạng thái học trực tuyến. Những điều đó chắc chắn tác động rất nhiều đến tư tưởng của các con...
Dựa trên những cơ sở đó, quan điểm của tôi là rất mong Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có những quyết định giúp học sinh ổn định về mặt tư tưởng, tập trung học tập nghiêm túc. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thi tuyển sinh vào lớp 10, theo tôi, chỉ nên tổ chức thi 3 môn là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tạm thời, năm nay, tổ chức kỳ thi trong điều kiện có dịch này, chúng ta có thể chưa thi môn thứ 4”.
“Tất nhiên, Sở GD&ĐT cũng có thể đã tính đến phương án, công bố môn thi thứ 4 vào một thời điểm sớm hơn so với thông lệ hằng năm, để học sinh yên tâm và tập trung ôn thi.
Song, theo tôi, tốt nhất, vẫn nên giảm bớt môn thi thứ 4 để chia sẻ áp lực trong điều kiện này. Và Sở cũng nên công bố sớm để không chỉ học sinh mà còn khiến phụ huynh yên tâm.
Trong những hoàn cảnh nhất định, chúng ta cũng phải chấp nhận chất lượng thực tế, nếu đòi hỏi vẫn như trong điều kiện bình thường thì đè nặng lên tâm lý, tạo áp lực rất lướn cho học sinh. Tôi cho rằng, đây cũng là nguyện vọng chung của thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Vậy nên, tôi cũng đề đạt mong muốn, nguyện vọng tới ngành giáo dục để ngành cân nhắc, ra quyết định thấu đáo, một cách thấu tình đạt lý”, thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.
Giảm áp lực bằng cách ra đề bám sát sách giáo khoa
Trong khi có nhiều ý kiến mong mỏi giảm bớt môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, TS.Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) lại có một góc nhìn khác.
TS.Vũ Thu Hương bày tỏ sự e ngại: “Quan điểm của tôi là vẫn nên tổ chức thi 4 môn, để tránh tình trạng học lệch đang khá trầm trọng hiện nay ở học sinh. Tâm lý của phụ huynh thường cho rằng, giảm bớt môn thi sẽ giúp các con giảm áp lực thi cử. Tuy nhiên, phải nhìn nhận, nếu bây giờ chỉ cho thi 3 môn thì liệu có xuất hiện tình trạng các con chỉ học 3 môn đó, học để thi, mà bỏ qua các môn còn lại hay không?
Thời điểm dịch bệnh như thế này, theo tôi, thứ nhất, phong cách ra đề thi của các cán bộ cần phải thay đổi. Thứ hai, mức độ đề thi cũng có thể giảm tải, không nên quá thách đố, mà chỉ nên ở mức độ căn bản, bám theo sách giáo khoa và không quá khó, không “đánh đố” học sinh.
Còn nếu bỏ đi môn thi thứ 4 thì có thể trong thời gian tới, học sinh sẽ không ngó ngàng gì đến những môn học khác Toán, Văn, Ngoại ngữ. Chúng ta nên nhìn nhận như vậy, nếu không, chính chúng ta sẽ tạo nên những bất ổn cho trẻ”.
“Đặc biệt, tôi không ủng hộ việc lực chọn môn thi thứ 4 là một trong các môn học Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý, mà nên là một bài thi tổng hợp. Tuy nhiên, mức độ đề thi sẽ ở mức đơn giản nhất, để các con vẫn tập trung học đều tất cả các môn nhưng không cần phải đi học thêm, tìm hiểu những kiến thức quá cao siêu... Những kiến thức ra trong đề thi chỉ cần là những kiến thức “nền”, cơ bản nhất, trong sách giáo khoa có gì thì các con học cái đó là có thể học và thi được. Chúng ta cũng không nên đặt ra những dạng đề “thách đố” học sinh, để các con hiểu là được.
Như vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ không còn là một “cuộc đua”, sẽ giảm áp lực rất nhiều, học sinh sẽ ôn thi một cách rất thoải mái. Kể cả có học sinh nào chẳng may trở thành F0 trong quá trình ôn thi, cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều, vẫn có thể tự tin bước qua kỳ thi”, vị chuyên gia giáo dục lý giải.
Tuệ Nhi