Ngày 25/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão (cơn bão số 9).
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học trực tiếp vào ngày 26, 27/10 (ngày dự kiến bão đổ bộ vào đất liền) và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình bão, mưa lũ để chủ động điều chỉnh thời gian cho học sinh nghỉ học (tăng hoặc giảm ngày nghỉ); kịp thời phối hợp với các lực lượng cứu hộ tại địa phương trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập.
Trước đó vào sáng cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão (cơn bão số 9) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trước diễn biến áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển nhanh, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Khánh Hòa từ ngày 26/10, để khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lớn diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương kiểm tra, rà soát, tập trung triển khai các nội dung sau:
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kêu gọi tàu thuyền (kể cả các tàu du lịch) còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18h ngày 25/10 cho đến khi kết thúc bão.
Ngưng hoạt động cáp treo Vinpearland kể từ 10h ngày 26/10 cho đến khi kết thúc bão.
Phối hợp với các đơn vị quản lý các khu neo đậu, tránh trú tàu thuyền tổ chức hướng dẫn việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các khu tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo; tổ chức rà soát, thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển (đặc biệt nắm số lượng người dân trên các lồng bè) để triển khai sơ tán dân khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng.
Phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện sơ tán người dân trên các lồng bè đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân trên biển hoàn thành trước 6h ngày 26/10.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng yêu cầu các địa phương sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét hoàn thành trước 10h ngày 26/10.
Riêng đối với việc sơ tán dân tại các khu vực xung yếu, thường xuyên ảnh hưởng ngập lụt… các địa phương căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của bão, mưa lũ chủ động quyết định thời gian sơ tán nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động di dời, sơ tán người và phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Trong đó, cần kết hợp biện pháp sơ tán dân vừa đảm bảo an toàn trong thiên tai và phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, triển khai rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn… thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra.
Bố trí bộ phận trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình bão, mưa lũ; thường xuyên báo cáo kết quả triển khai ứng phó về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du…
Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở ban ngành trong từng lĩnh vực của mình triển khai các biện pháp, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão.
Sáng 25/10, ông Lê Đăng Tín, Phó Trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, ngày 24/10 có 162 tàu và sáng nay có thêm 15 tàu vào neo đậu trú bão tại cảng. Cảng cũng đã chuẩn bị bố trí khu vực neo đậu cho các tàu thuyền vào tránh trú và phối hợp với bộ đội biên phòng hỗ trợ ngư dân tránh trú bão.
Châu Tường