Hôm qua (10/6), đông đảo teen 98 của tỉnh Nam Định đã cùng thử sức với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với hai môn Văn và Toán. Đây là ngôi trường mơ ước của rất nhiều các bạn học sinh bởi đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm và môi trường học tập năng động của thành phố.
Năm nay, đề thi môn Ngữ văn đã khiến các bạn khá bất ngờ với câu hỏi nghị luận chiếm tới 2 điểm khi yêu cầu nêu lên suy nghĩ và quan niệm của em về hạnh phúc.
Cụ thể câu hỏi như sau:
Câu 2 của đề bài có đưa tra một trích đoạn: Khi trò chuyện với bác họa sĩ, nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long có nói: “Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy.
Các chú lại cử một chú lên tận đấy. Chú ấy nói cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy tháng ấy không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. (Theo sgk Ngữ văn 9 – Tập 1 – tr 185 – NXBGD – 2006)”.
Dựa trên đoạn văn này, đề bài câu nghị luận yêu cầu: “Từ niềm hạnh phúc của nhân vật anh thanh niên thể hiện qua lời tâm sự trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 15-20 (có đánh số thứ tự các câu trong đoạn văn) nêu lên suy nghĩ và quan niệm của em về hạnh phúc”.
Đa số các sĩ tử đều cho rằng câu hỏi nghị luận không có trong đề cương ôn tập nên khiến các bạn khá bất ngờ. Mặc dù vậy, việc thể hiện quan niệm về hạnh phúc khiến các bạn rất hào hứng.
Khánh Huyền (học sinh trường THCS Lương Thế Vinh) cho biết: “Mặc dù câu hỏi này không được ôn tập từ trước nhưng việc cho gợi ý bằng đoạn trích trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa cũng giúp chúng em trong quá trình làm bài. Hơn nữa, việc được nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình về đề tài hạnh phúc cũng khiến em rất hào hứng. Bởi đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Đối với đề bài này, em triển khai dựa trên hai ý chính: hạnh phúc rất đơn giản đó chính là sự hài lòng của bản thân về những gì mình đang có, và cảm xúc mà niềm hạnh phúc đem lại sẽ giúp chúng ta sống đẹp hơn, có ích hơn. Mặc dù đã hoàn thành tất cả các câu hỏi nhưng em dự đoán mình chỉ được 7 điểm”.
Còn Khánh Ly (THCS Lương Thế Vinh) chia sẻ: "Câu nghị luận khiến em khá lúng túng do không phải học sinh chuyên. Mặc dù hạnh phúc là điều mọi người vẫn thường nói đến nhưng để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình về vấn đề này thì không phải dễ dàng. Chính điều đó đã khơi gợi sự hứng thú của em khi bắt gặp một đề bài mới chưa từng được làm".
Như vậy có thể thấy, xu hướng ra đề mở đặc biệt trong môn Ngữ văn không chỉ xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ mà đã được nhân rộng với sự xuất hiện trong kỳ thi học kỳ, hay thậm chí thi tuyển sinh vào lớp 10.
Cách ra đề này sẽ góp phần phát huy sức sáng tạo, khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, góp phần thay đổi tình trạng học thuộc lòng, dập khuôn máy móc trong giáo dục.
Hôm nay (11/6) các bạn sẽ tiếp tục "cuộc chiến" quan trọng nhất với đề thi môn chuyên. Theo kết hoạch của Sở GD - ĐT Nam Định, danh sách các học sinh trúng tuyển sẽ được công bố vào ngày 17/6.
Trong khi đó, vào ngày 19/6 tới, học trò lớp 9 tại Hà Nội sẽ thi lên lớp 10. Tại TP.HCM, thời gian thi muộn hơn, bắt đầu từ ngày 21/6. Cuộc đua này cũng gay cấn không thua kém kỳ thi đại học, bởi các em không có nhiều lựa chọn nếu thi trượt.
Theo Bưu điện Việt Nam