Nhận định của nhiều giáo viên chấm về môn thi Ngữ văn trong buổi chấm chung đều cho rằng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đi vào chi tiết cụ thể nhưng lại không rập khuôn. Học sinh có thể không viết đủ ý nhưng vẫn có khả năng được cho điểm tối đa ở câu hỏi mở nếu bài văn thể hiện sự đào sâu suy nghĩ, có tính thuyết phục cao.
Trong buổi chấm chung đã có 2 bài thi môn Ngữ văn ở câu hỏi mở mà dư luận đang xôn xao về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam đạt điểm tuyệt đối (3 điểm) theo thang điểm hướng dẫn của Bộ GD-ĐT do bài viết của thí sinh đã viết rất xúc động, thể hiện sự chín chắn, sâu sắc.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, cán bộ chấm thi môn Văn cho biết: “Với những bài đã chấm, các em đều làm được bài và đặc biệt 2 điểm tuyệt đối ở câu hỏi mở đã có và thí sinh đạt 2,5/3 điểm là khá nhiều. Do vậy, điểm môn Văn năm nay của thí sinh sẽ khá cao”.
Theo cô Kim Anh, phần noi gương được các em mở rộng ra nhiều hướng thay vì chỉ đi vào bàn luận có nhảy xuống cứu người để bản thân thiệt mạng như nhiều ý kiến người lớn bàn luận. Đa số các em đều thấy được gương hy sinh của Nam đáng để học tập cho bản thân các em.
Hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT về chấm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 nêu rõ: Giám khảo đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm điểm đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Theo đó, nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lí thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý cán bộ chấm thi: “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực".
Theo Dân trí