Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề xuất bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 6 năm triển khai, chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP có nhiều điểm không còn phù hợp.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội.
Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 10 nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (6 nhóm đối tượng như theo quy định hiện hành tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và thêm 4 nhóm đối tượng nghèo kinh niên, không còn khả năng lao động) sửa đổi cho phù hợp.
6 nhóm đối tượng như theo quy định hiện hành gồm:
Thứ nhất, trẻ em dưới 16 tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội hoặc đang được nuôi dưỡng, chăm sóc trong cơ sở trợ giúp xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Bên cạnh đó, cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội hoặc đang được nuôi dưỡng, chăm sóc trong cơ sở trợ giúp xã hội; cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Thứ 2, trẻ em thuộc diện quy định nêu trên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Thứ 3, trẻ em nhiễm HIV thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo.
Thứ 4, người thuộc diện hộ gia đình nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng, hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).
Thứ 5, người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây: Người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định đang sống ở miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng…
Thứ 6, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.
4 nhóm đối tượng nghèo kinh niên, không còn khả năng lao động, bao gồm:
- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo hoặc hộ cận nghèo.
- Người nhiễm HIV, người mắc bệnh mãn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước.
- Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng.
- Đối tượng khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến tổng số đối tượng được hưởng chính sách năm 2021 theo quy định mới khoảng 3,690 triệu đối tượng. Trong đó, đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP: 3,140 triệu người; đối tượng dự kiến tăng thêm khoảng 550 nghìn người.
Nâng mức hưởng trợ cấp xã hội
Cũng tại dự thảo nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, từ ngày 1/1/2021, tăng mức trợ cấp hàng tháng lên 360 nghìn đồng/tháng; từ ngày 1/1/2023 là 500 nghìn đồng/tháng.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu thực hiện mức chuẩn trợ cấp 360 nghìn đồng (tăng 33% so với mức chuẩn cũ) thì kinh phí dự kiến chi cho đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP khoảng 22.941 tỷ đồng/năm. Kinh phí chi cho đối tượng tăng thêm theo Nghị định mới khoảng: 2.734 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngân sách dự kiến chi trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng khoảng 25.675 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay đã có 11 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, tính bình quân khoảng 360 nghìn đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Do đó, thực hiện nghị định mới thì ngân sách cần bố trí khoảng 22.161 tỷ đồng/năm, tăng so với năm 2019 khoảng 4.911 tỷ đồng.
Hoàng Mai