Chiều 16/6, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc với thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Theo đó, phát biểu tại hội trường nhiều đại biểu tranh luận thẳng thắn về việc cần bổ sung thêm hình thức thức tố cáo như bằng email, điện thoại thay vì chỉ chấp nhận hai hình thức như ban soạn thảo đưa ra là tố cáo trực tiếp và tố cáo đơn thư có ký tên.
Hơn nữa, các đại biểu cũng tranh luận về tố cáo nặc danh có được chấp nhận hay không, bởi thực tế cơ chế bảo vệ người tố cáo của ta còn chưa đảm bảo, người tố cáo bị lộ thông tin, bị trù dập, trả thù. Bởi vậy, cần phải xem xét tố cáo nặc danh thế nào để không bỏ lọt người vi phạm.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật tố cáo (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu: “Về hình thức tố cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo đơn thư có ký tên. Quy định như vậy bởi lẽ việc giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức có nội dung và yêu cầu giải quyết rất chặt chẽ, phức tạp và nhạy cảm. Khi nhận được thông tin thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xử lý và xác định rõ về người tố cáo, nội dung tố cáo, kể cả việc xử lý vi phạm đối với trường hợp người tố cáo lợi dụng để vu khống, gây mất đoàn kết.
Chính vì vậy, dự thảo luật đã quy định hai hình thức như trên. Tuy nhiên, qua ý kiến thảo luận hôm nay để tạo điều kiện cho công dân thực hiện hình thức tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền tố cáo có thể mở rộng hai hình thức. Thứ nhất đó là thư điện tử có ký tên, chữ ký điện tử được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Thứ hai, các hình thức điện tử khác, hay công nghệ thông tin truyền thông khác phải xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin rõ ràng sẽ được xử lý theo quy trình giải quyết tố cáo”.
Về Tố cáo nặc danh Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng: “Tố cáo nặc danh có hai trường hợp. Thứ nhất là nội dung tố cáo không chính xác bịa đặt vu khống sẽ không được xem xét. Trường hợp thứ hai có nội dung rõ ràng gửi kèm những bằng chứng sẽ được xem xét xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra kiểm tra và yêu cầu cho công tác quản lý. Nhưng không xử lý theo quy trình giải quyết tố cáo.
Về bảo vệ người tố cáo: Nhiều ý kiến cho rằng còn chung chung, chưa chặt chẽ, cần quy định cụ thể chi tiết về cơ chế nội dung hình thức, biện pháp chế tài bảo vệ… tiếp thu ý kiến này cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung nội dung vào dự thảo luật sắp tới”.
Vũ Phương