Thời gian qua tại các hội nghị, hội thảo về phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng không nên xử lý hình sự người đưa hối lộ, bỏ tội hối lộ nhằm khuyến khích người dân tăng cường tố giác tham nhũng. Tuy nhiên, điều này cần phải xem lại.
Nếu nhìn từ khía cạnh khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng thì việc xử lý hình sự người đưa hối lộ là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét từ khía cạnh quản lý nhà nước, duy trì trật tự, an toàn xã hội thì hành vi đưa hối lộ cũng là loại hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn rất cần thiết phải xử lý hình sự.
“Đưa” và “nhận” là anh em sinh đôi
Đưa hối lộ là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình. Đúng là vài nước không quy định về tội danh “đưa hối lộ” nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi không bị xử lý hình sự. Một số nước coi hành vi “lót tay, bôi trơn” để được trúng thầu là tội “cạnh tranh không lành mạnh”, có nước coi hành vi này là tội “mãi lộ”... Tuy tội danh có khác nhau nhưng một điều có thể khẳng định là không có một quốc gia nào không xử lý hình sự đối với hành vi đưa hối lộ.
Xét xử một vụ tham nhũng đất đai trong đó có tội danh đưa hối lộ. Ảnh: HTD
Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc xác định, hối lộ không chỉ bao gồm lợi ích vật chất mà có cả lợi ích phi vật chất như hối lộ tình dục, hối lộ thông tin, hối lộ thành tích... Còn ở nước ta và một số nước chỉ mới xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ vật chất, chưa xem xét hành vi hối lộ lợi ích phi vật chất.
Đưa hối lộ và nhận hối lộ đều được gọi chung là “hối lộ”. Pháp luật một số nước không phân biệt hai tội đưa hối lộ và nhận hối lộ mà chỉ quy định tội “hối lộ”. Ở nước ta, BLHS năm 1985 cũng quy định hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, sau đó, do yêu cầu của việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nên BLHS năm 1999 mới tách hai hành vi này thành hai tội khác nhau. Vì vậy, có thể nói, hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ là hai anh em sinh đôi, tồn tại như là một sự tất yếu. Có đưa thì mới có nhận và ngược lại.
Hai loại đưa hối lộ
Đưa và nhận hối lộ là hiện tượng xã hội có từ khi có nhà nước. Nó đồng hành cùng với sự hình thành và phát triển của các kiểu nhà nước. Dù là nhà nước theo chính thể cộng hòa hay quân chủ thì hiện tượng chạy chọt, mua quan, bán tước thời nào cũng có. Ngày nay, hành vi đưa hối lộ tinh vi, xảo quyệt hơn nhiều; người nhận hối lộ không cảnh giác dễ bị “mắc bẫy” đến khi vụ án bị phát hiện thì mới té ngửa.
Có hai loại đưa hối lộ:
Loại thứ nhất là đưa hối lộ bị động, tức là không có ý định đưa hối lộ nhưng vì bị gợi ý, bị ép buộc nên phải miễn cưỡng đưa hối lộ. Theo quy định của BLHS hiện hành thì người đưa hối lộ trong trường hợp này mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Như vậy, pháp luật nước ta cũng đã loại trừ trách nhiệm hình sự hành vi đưa hối lộ “có điều kiện” trong một số trường hợp. Đây là quy định tháo bỏ rào cản để người đưa hối lộ dám tố cáo hành vi tham nhũng của người nhận hối lộ.
Loại thứ hai là đưa hối lộ chủ động, tức là không bị ép buộc mà vẫn dùng tiền hoặc lợi ích vật chất mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, để thoát tội, để trốn tránh nghĩa vụ hoặc để thăng quan, tiến chức, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, thậm chí thao túng người có chức vụ, quyền hạn, nguy hiểm hơn dẫn đến thao túng quyền lực, sai bảo chỉ đạo người có chức vụ, quyền hạn phải theo ý người đưa hối lộ... Loại hành vi đưa hối lộ chủ động này rất khó phát hiện, thực tế có nhiều người đưa hối lộ và họ sẽ không bao giờ chủ động tố giác khi yêu cầu của mình đã được thỏa mãn. Trong điều kiện quản lý nhà nước của ta như hiện nay, nếu loại trừ trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi đưa hối lộ này thì có khác gì “thả hổ về rừng”, không chỉ làm rối loạn mà nhà nước cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi đưa hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi là hành vi tham nhũng. Nếu bỏ tội đưa hối lộ thì hành vi tham nhũng này có được loại trừ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Mặt khác, trong chính sách hình sự hiện nay, ngay đối với trường hợp đưa hối lộ chủ động này mà đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Như vậy, theo tôi không có một hạn chế nào đối với người đưa hối lộ nếu họ thực sự thấy cần tố cáo hành vi tham nhũng của người nhận hối lộ. Không vì thực tế có một vài trường hợp cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ sai mà cho rằng cần bỏ hẳn tội danh “đưa hối lộ”.
Từng có án tử hình vì đưa hối lộ Trước đây, tội đưa hối lộ cũng có hình phạt tử hình và trong thực tiễn xét xử, tòa án cũng đã từng phạt tử hình về tội đưa hối lộ (trong vụ án Năm Cam và đồng phạm, Năm Cam đã bị phạt tử hình về tội đưa hối lộ, tử hình về tội giết người, tổng hợp hình phạt chung là tử hình). Tuy nhiên, do tính chất của loại tội phạm này và xu hướng giảm hình phạt tử hình gần đây nên Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009 đã bỏ hình phạt tử hình trong tội đưa hối lộ. |
Theo Đinh Văn Quế (Pháp luật TP HCM)