Mới đây, trong cuộc họp về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại TP.HCM, nội dung dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia được bộ Y tế đưa ra. Dự kiến dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp năm 2018 để có thể thông qua vào năm 2019.
Một trong nội dung dự luật đưa ra nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tham dự đó là cấm bán cũng như cấm uống rượu bia đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say.
Dự luật cũng cấm cán bộ, công nhân viên chức và người lao động sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ, giữa các ca trong ngày làm việc.
Đáng chú ý, đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke và nghiêm cấm bán rượu bia bằng máy bán tự động đã nhận được những ý kiến trái chiều và thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Xung quanh đề xuất cấm bán rượu bia tại quán karaoke, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS.TS Phạm Bích San, viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển cho rằng: “Trước tiên, việc bộ Y tế đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke nhằm hạn chế, lạm dụng tác hại của rượu bia đối với sức khỏe cộng đồng là cần thiết.
Về mặt kinh tế thì ít nhiều đề xuất này ảnh hưởng đến doanh thu của các cơ sở kinh doanh giải trí, đơn vị sản xuất bia. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của ngân sách Nhà nước.
Về mặt xã hội, việc cấm bán bia tại quán karaoke phần nào đó làm giảm tần suất các mối quan hệ của con người với nhau trong xã hội”.
PGS.TS Phạm Bích San cũng đặt ra vấn đề: “Cấm bán rượu bia tại quán karaoke thì ai sẽ kiểm soát, thanh kiểm tra việc bán bia tại các quán karaoke như thế nào hay lại phát sinh thêm cán bộ làm việc này.
Trong khi đó, không chỉ ở đô thị lớn, mà các địa phương bây giờ loại hình kinh doanh karaoke mở ra rất nhiều. Bởi vậy, đề xuất đưa ra phải áp dụng được trong thực tế chứ không dừng lại ở việc hô hào, làm cho có.
Có thể chỉ ra một số quy định đã có hiệu lực như cấm hút thuốc nơi công cộng hay tiểu bậy sẽ bị phạt 3 triệu đồng… nhưng hỏi có bao người hút thuốc lá nơi công cộng đến nay bị phạt. Bởi vậy, đưa ra những quy định cần phải có tính thực tế, có hiệu quả, làm đến nơi đến chốn để tránh nhờn luật".
Cũng theo vị chuyên gia này, đề xuất cấm bán rượu bia tại quán karaoke nếu làm không làm chặt chẽ có thể dẫn đến tiêu cực trong việc giám sát, quản lý loại hình kinh doanh khá nhạy cảm như karaoke. “Đề xuất này cần phải đánh giá đầy đủ tác động cả về cả mặt kinh tế và xã hội”, PGS. TS Phạm Bích San nói.
Vũ Phương