Tại hội thảo quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP.Hà Nội diễn ra ngày 25/10, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng mục tiêu giảm dân số nội đô (tính từ vành đai II trở vào) từ 1,2 triệu xuống còn 0.8 triệu), trong thực tế đã chứng minh quy định này hầu như không thực hiện được và cần có giải pháp hạn chế tối đa tăng dân số cơ học vào nội đô.
Đề xuất “ngược thời đại”
Một trong ba giải pháp được ông đề xuất là: “Chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có HKTT tại phường, quận có dự án. Tốt nhất là phục vụ di dân phố cổ chứ không phải là dân phố cổ phải đi sang Long Biên, Gia Lâm còn người ngoại tỉnh lại di dân vào trung tâm sẽ không thành công”.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị nhiều chuyên gia đánh giá là “bất khả thi”, với những sự phản đối khá gay gắt từ dư luận.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nhận định: “Đề xuất được đưa ra quá sai lầm! Chúng ta đang tiến tới xóa bỏ hộ khẩu, bây giờ đề xuất như vậy trở nên quá lạc điệu và vô lý. Nếu nói như đề xuất này, cũng sẽ giống như việc cấm xe máy di chuyển từ phường này sang phường khác, cấm ô tô di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác”.
Cũng theo ông Đực, quyền tự đi lại, tự do cư trú của người dân phải được tôn trọng. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi người có quyền mua bán, lựa chọn chỗ ở, chỗ làm vì nhu cầu tương lai của cá nhân. Hiện nay, các chung cư cao cấp ở Sài Gòn cũng đang có hơn 50% dân Hà Nội sở hữu.
PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng đánh giá: “Đề xuất này rõ ràng không hợp lý và đang đi ngược với những điều chúng ta đang tiến hành, đang hướng tới, kiến tạo 4.0, bình đẳng, xóa hộ khẩu,... người ta có quyền sinh sống ở khắp mọi nơi”.
Ông Dinh cho biết thêm: “Nếu vẫn để như vậy, thực hiện đề xuất cấm người không có HKTT tại đó mua, thì sẽ xảy ra hiện tượng đứng tên người khác để mua. Đây là một giải pháp không căn bản, những điều đưa ra sau đi ngược lại, “đối kháng” những điều đã được quy định từ trước”.
Chị Lê Ngọc Quỳnh (tạm trú tại Hoàng Mai, có HKTT tại Lào Cai) bày tỏ: “Đề xuất này tất nhiên sẽ bị mọi người phản đối, bởi vì, ai có tiền người ấy mua, không mua thì lấy đâu ra cơ sở để chuyển khẩu.
Theo tôi, chỉ là đề xuất ý kiến thoải mái, nhưng mà cái đề xuất này chỉ gọi cho có thôi chứ không thể thực hiện được đâu. Ngày trước cũng đề xuất không cho dân ngoại tỉnh nhập hộ khẩu, được vài năm, giờ người Hà Nội được mấy người chính thống”.
Anh Nguyễn Xuân Trường (tạm trú tại Cầu Giấy, HKTT tại Quảng Ninh): “Người nội đô thì tỉ lệ có nhà hết rồi là rất cao, chỉ có con cái kết hôn, ra ở riêng mới có nhu cầu mua thêm nhà, còn lại hầu như nhà bán cho người ngoại tỉnh đến Hà Nội làm ăn”.
Không chỉ dân ngoại tỉnh bày tỏ sự phản đối, anh Bùi Ngọc Phúc, một người dân sống tại Hà Nội qua nhiều thế hệ cũng chung quan điểm: “Tôi không đồng ý vì đề xuất này không phù hợp với thực tế. Và quan trọng là, đặt ra câu hỏi: Nếu các thành phố lớn đều áp dụng mô hình này sẽ thế nào?”.
Đề xuất này cũng nhanh chóng vấp phải sự phản đối của cư dân mạng. Tài khoản Huy Thiêm Nguyễn chia sẻ nhận định về những vô lý trong đề xuất trên mạng xã hội: “Bây giờ đường hẹp mà cứ nhồi nhét chung cư vào, sau đó lại đặt ra quy định là dân có hộ khẩu mới được mua. Trong khi hầu hết mọi người đang khốn khổ vì hộ khẩu, các cơ quan quản lý đang nghiên cứu tìm cách bỏ đi, thì lại đề xuất mang sổ hộ khẩu làm căn cứ quyết định nơi ở”.
Tìm giải pháp giảm nhồi nhét nội đô
Trước những nhận xét của dư luận, đề xuất trên được đánh giá là bất khả thi. Vậy giải pháp nào sẽ tốt hơn cho việc giảm sự nhồi nhét dân cư về nội đô?
Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, nên chuyển các cơ quan công quyền, trường học ra ngoại đô, không nên tiếp tục mở rộng Hà Nội theo hình tia, hướng tâm, mà phải suy nghĩ đến giải pháp mở rộng theo vòng tròn, không phải vòng tròn đồng tâm mà là các vòng tròn vệ tinh. Ví dụ như, Vĩnh Phú sẽ là một tâm điểm, Việt Trì sẽ là một tâm điểm,... chẳng hạn. Bởi vì tâm lý người dân luôn luôn hướng về những nơi sầm uất, đông vui nhộn nhịp nhất, nếu cứ chỉ để trung tâm là một, hai quận thì sẽ luôn đông đúc”.
Ông Nguyễn Văn Đực lại nhận định: “Phải xét lại các dự án trong nội đô cho phép xây dựng bao nhiêu tầng, đã xây thì được quyền bán nên lỗi là của người cấp giấy phép. Doanh nghiệp lúc nào cũng muốn được cấp phép tối đa, tha hồ xây dựng, chung cư càng cao, dân đổ về nội đô càng nhiều”.
Một tài khoản có tên Trịnh Đình Tuấn Anh (Hà Tĩnh) cũng gợi ý: “Để giảm sự nhồi nhét vào nội đô, các chủ đầu tư nên xây dựng thêm nhiều chung cư cao cấp, mở rộng địa bàn ra ngoại thành để thu hút người dân về đó”.
Hai đề xuất còn lại của ông Trần Ngọc Hùng:
Thứ hai, khi cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, dự án tiểu khu đô thị cần chú trọng yêu cầu thành tiểu khu đồng bộ không chỉ là khu nhà ở như trước đây mà là nhà tổng hợp bao gồm các cửa hàng (thậm chí cả 2 tầng có lối lên xuống thống giữa các tầng nhà), các nhà văn phòng, các công trình phục vụ công cộng đồng bộ như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ… để dân không phải di chuyển ngang nhiều gây ách tắc giao thông. Cần phải dành quỹ đất nội đô, kinh phí phù hợp, tổ chức đồng bộ mà trước hết là trách nhiệm quản lý nhà nước thì mới triển khai hiệu quả nhà cao tầng tại các khu vực này.
Thứ ba, dành toàn bộ các khu đất khi di dời các cơ quan, nhà máy…. Các khu đất trống. Để phục vụ nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, dành quỹ đất xây thêm các công trình công cộng phục vụ xã hội nhà trẻ, mẫu giáo, cung thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh. Từ nay không cấp phép xây thêm nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại trong khu nội đô từ vành đai I trở vào.
An Nhiên