Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Theo đó, căn cứ vào tốc độ thiết kế, đường cao tốc được phân làm 3 cấp. Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h, cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h, cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h. Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng.
Trong đó, cấp 80 là cấp thiết kế tối thiểu chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn như vùng núi, đồi cao hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư.
Việc lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ vào điều kiện địa hình, quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xác lập, được cấp có thẩm quyền của nhà nước duyệt, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Trên một tuyến đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau tuy nhiên phải đảm bảo tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn.
Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h, đồng thời phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các đoạn có tốc độ khác nhau phải dài tối thiểu 2 Km và có tốc độ tính toán của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 Km/h.
Dự thảo thông tư cũng đua ra quy định mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán.
Các cầu trên đường cao tốc phải bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như với đoạn đường liền kề, bề rộng cầu không được hẹp hơn bề rộng đường liền kề.
Riêng với công trình hầm, dự thảo thông tư quy định các hầm có chiều dài dưới 1.000m không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp.
Hầm có chiều dài từ 1.000m trở lên phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30m cách nhau tối đa 500m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.
Cũng theo dự thảo Thông tư, dọc đường cao tốc, phải bố trí và xây dựng các cơ sở dịch vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường. Các cơ sở dịch vụ được chia làm 4 loại. Loại 1 có diện tích mặt bằng trạm tối thiểu là 10.000 m2, khu vực đậu, đỗ xe có diện tích tối thiểu 5.000 m2. Loại 2 có diện tích mặt bằng trạm tối thiểu là 5.000 m2, khu vực đậu, đỗ xe có diện tích tối thiểu 2.500 m2. Loại 3 có diện tích mặt bằng trạm tối thiểu là 3.000 m2, khu vực đậu, đỗ xe có diện tích tối thiểu 1.500 m2. Loại 4 có diện tích mặt bằng trạm tối thiểu là 1.000 m2, khu vực đậu, đỗ xe có diện tích tối thiểu 500 m2.
Về khoảng cách, cứ khoảng từ 15 km đến 25 km bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường tại đây người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và tự bảo dưỡng xe; vị trí có thể được chọn xa đường từ vài chục mét đến hàng trăm mét.
Cứ khoảng từ 50 km dến 60 km bố trí một trạm dịch vụ kĩ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn) có quy mô loại 2.
Cứ khoảng từ 120 km đến 200 km bố trí một trạm dịch vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, sạc điện ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển...), có xét phù hợp với đối tượng khách chiếm đa số và còn phải có chỗ đỗ xe lâu có quy mô loại 1.
Bên cạnh đó, trên các tuyến cao tốc, phải có các chỗ dừng xe dọc tuyến được bố trí ở những nơi có phong cảnh đẹp với quy mô khác nhau. Đối với loại dừng chốc lát, cho phép dừng từ 1 xe đến 3 xe, có thể bố trí một lều nghỉ có bản đồ chỉ dẫn du lịch...có quy mô loại 4. Đối với loại dừng lâu, phải dừng được nhiều xe và có thể có quán giải khát, có trạm điện thoại, trạm xăng,... có quy mô loại 3.
Các cơ sở dịch vụ phải được bố trí ở những chỗ ra, vào thuận tiện, không che khuất tầm nhìn của các đoạn dốc hoặc đường cong và xa các chỗ giao nhau; lối ra vào khống chế tốc độ dưới 40 km/h.