Đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng khi bỏ công an cấp huyện

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 14/02/2025 15:28

Băn khoăn, lực lượng công an đang thực hiện giải thể công an cấp huyện và đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng. Do vậy, ĐBQH cho rằng cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng.

Tránh khoảng trống pháp luật 

Sáng 14/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. 

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã cơ bản tính toán, bao quát được các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn.

Về hiệu lực thi hành nghị quyết, ĐBQH Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) tán thành với đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật là thực thi ngay sau khi được Quốc hội thông qua. 

Nhằm tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng khi bỏ công an cấp huyện- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Trần Nhật Minh nêu thực tế, hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ quyết định thành lập các bộ, cơ quan trung ương thuộc UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện phải ban hành các nghị quyết. 

Nhưng xét về căn cứ pháp lý, các nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa được sửa đổi, bổ sung theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Để áp dụng các văn bản của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tổ chức các cơ quan Trung ương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì phải chờ Nghị quyết của Quốc hội ban hành. 

Do đó, nếu thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 1/3/2025, theo đại biểu Trần Nhật Minh là muộn, chưa đáp ứng được mục đích khi xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. 

Qua đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật trong điều kiện chưa thể sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng khi bỏ công an cấp huyện- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Ảnh: Media Quốc hội).

Cũng tán thành thời gian thi hành nghị quyết từ ngày 1/3/2025, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Huế) băn khoăn rằng, thời gian còn lại rất ngắn để các cơ quan tố tụng khác như Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện những công việc tiếp theo. 

Trong đó, lực lượng công an đang thực hiện giải thể công an cấp huyện và đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng.

Đảm bảo bộ máy tổ chức không bị gián đoạn sau sắp xếp

Giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc sắp xếp bộ máy có phạm vi rộng nên chưa thể lường hết được những vấn đề phát sinh. 

Vì vậy, nghị quyết cho phép Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND và người có thẩm quyền được phép xử lý các vấn đề phát sinh. Với những vấn đề đã rõ và không có vướng mắc, sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động tố tụng khi bỏ công an cấp huyện- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy. 

Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và đặt ra những nguyên tắc chung đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường liên tục, thông suốt của bộ máy Nhà nước. 

Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

"Đây cũng là vấn đề khó khi thiết kế dự thảo nghị quyết, để làm sao vừa bao quát hết toàn diện các nội dung và vừa khái quát, mang tính nguyên tắc để cả hệ thống vận hành bình thường, không gián đoạn, không bỏ sót, không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn", Bộ trưởng nói.

Nêu ý kiến về xử lý tài sản sau sắp xếp, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (Đoàn Tp.HCM) cho rằng, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Đáng chú ý, số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp rất lớn, khối lượng tài sản rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng chỉ rõ, hiện nay đã có Nghị định số 151 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 114 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và gần đây nhất là Nghị định số 03 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà và đất, nhưng cũng chưa đủ để giải quyết hết vấn đề.

"Với tài sản được hình thành trong tương lai nằm trong các dự án, đề án mà chủ đầu tư là những cơ quan đang trong diện sắp xếp, thì trách nhiệm đặt ra cho cơ quan là chủ đầu tư khi được chuyển giao cho các cơ quan mới như thế nào cũng cần được tính toán, để các tài sản này được xử lý một cách hợp lý", đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến

Giải trình về ý kiến liên quan đến xử lý tài sản sau sắp xếp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ: "Về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.