Đề xuất cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

Đề xuất cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 18/03/2021 15:13

Mới đây, bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nội dung dự thảo Nghị định được bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở kế thừa tại các nội dung quy định tại các Thông tư của bộ Tài chính về cơ chế tài chính dự án đầu tư theo hình thức PPP đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và thực tiễn quản lý tài chính dự án PPP trong thời gian vừa qua.

Theo đó, Nghị định bao gồm một số nội dung chính như: Quy định về hướng dẫn lập phương án tài chính của dự án PPP; Huy động, quản lý, thanh toán, sử dụng các vốn thực hiện dự án PPP; Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm.

Phương án tài chính của dự án PPP

Dự thảo Nghị định đã quy định các nguyên tắc xây dựng phương án tài chính, nội dung cơ bản của phương án tài chính, các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.

Theo đó, dòng tiền tính toán trong phương án tài chính của dự án PPP được quy định là dòng tiền sau thuế được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền của lãi suất các nguồn vốn dự án huy động và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.

Quy định mới này nhằm giải quyết các vướng mắc trong xác định nghĩa vụ về thuế và dòng tiền để tính toán các chỉ tiêu tài chính của các dự án BOT trong thời gian qua.

Phương án tài chính của dự án bao gồm 8 nội dung: Tổng mức đầu tư dự án; các nguồn vốn thực hiện dự án; đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; dự kiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M; các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án.

Các quy định nêu trên là cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Huy động, quản lý, thanh toán, sử dụng các vốn thực hiện dự án PPP

Một trong những nội dung mới của dự thảo Nghị định là quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Luật PPP. Trong đó, điều kiện phát hành, đối tượng phát hành, phương án phát hành, chế độ công bố thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với nhà đầu tư trái phiếu khi hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn đã được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã quy định về căn cứ xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đảm bảo khi tham gia thực hiện dự án PPP bao gồm: Báo cáo tài chính của nhà đầu tư đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức đã được thành lập từ 1 năm trở lên, mới thành lập trong năm; báo cáo về sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước; trình tự, thủ tục, thẩm quyền và phương thức xác định giá trị tài sản công tham gia dự án PPP; nguồn vốn và nguyên tắc bố trí nguồn vốn nhà nước (vốn đầu tư công, vốn chi thường xuyên và các nguồn thu hợp pháp) để thanh toán cho doanh nghiệp dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn Nhà nước trong dự án PPP đã được quy định chi tiết trong dự thảo Nghị định.

Hồ sơ thanh toán nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đã đơn giản hơn so với các quy định trước đây; nâng cao trách nhiệm và tính chủ động cho các đơn vị được giao quản lý phần vốn nhà nước trong dự án PPP.

Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng

Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng tại dự thảo Nghị định được xây dựng nguyên tắc giá trị quyết toán vốn công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng giữa cơ quan ký kết hợp đồng dự án và doanh nghiệp dự án PPP căn cứ quy định tại hợp đồng dự án. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về thời gian, trình tự, thủ tục doanh nghiệp dự án lập hồ sơ quyết toán để gửi cơ quan ký kết hợp đồng dự án xem xét, chấp thuận.

Quy định mới cho phép doanh nghiệp dự án có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu thực hiện dự án hiệu quả hơn so với phương án tài chính quy định tại hợp đồng dự án. Ngược lại, lợi nhuận của doanh nghiệp dự án cũng có thể bị giảm nếu doanh nghiệp dự án không quản lý dự án hiệu quả như dự kiến ban đầu.

Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm so với phương án tài chính theo nguyên tắc khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này; khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế.

Điều kiện dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đã được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể cách thức hạch toán phần doanh thu chia sẻ giữa các bên đối với doanh nghiệp dự án PPP, ngân sách nhà nước.

Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục doanh nghiệp dự án nộp phần chia sẻ doanh thu tăng với nhà nước; trình tự, thủ tục nhà nước bố trí nguồn dự phòng ngân sách để chi trả phần doanh thu giảm cho doanh nghiệp dự án PPP.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.