Dự thảo lần 2 vừa được Bộ Công an ban hành sẽ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của lực lượng CSGT.
Báo Pháp luật TP.HCM trích dẫn dự thảo, chỉ ra, CSGT có hai hình thức tuần tra. Đó là tuần tra, kiểm soát cơ động và kiểm soát tại trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông.
Đối với hình thức tuần tra, kiểm soát cơ động, CSGT bố trí lực lượng, sử dụng phương hoặc đi bộ di chuyển cơ động trên tuyến, địa bàn được phân công, trực tiếp giám sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TT-ATGT.
Đối với hình thức kiểm soát tại trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông, CSGT bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của thông tư này.
Tại trạm CSGT, thông tư quy định phải lắp đặt, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình khu vực kiểm soát; còn tại một điểm trên đường giao thông, CSGT phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong dự thảo này, Bộ Công an đề xuất quy định cho phép CSGT được mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ khi bắn tốc độ, ghi hình phạt nguội hoặc làm nhiệm vụ xử lý phương tiện vi phạm.
Trước đây, Điều 10 Thông tư 65 ngày 30/10/2012 của Bộ Công an cũng từng cho phép CSGT được "Bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".
Tuy nhiên, việc hóa trang phải được Cục trưởng CSGT, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định. Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát thuộc Cục CSGT hoặc công an cấp huyện quyết định việc tuần tra công khai kết hợp hóa trang.
Trong dự thảo lần 2, Bộ Công an đề xuất Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát thuộc Cục CSGT hoặc công an cấp huyện sẽ quyết định việc mặc cảnh phục hoặc thường phục khi vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ.
Thêm vào đó, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm CSGT, trên phương tiện tuần tra, kiểm soát phải do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người, phương tiện tham gia giao thông.
Theo Zing.vn, về quy trình xử lý người vi phạm, dự thảo lần 2 quy định CSGT chỉ được phép dừng phương tiện khi có chuyên đề do cấp trên phê duyệt, trực tiếp phát hiện xe vi phạm luật thông qua hình ảnh, video hoặc qua tin báo tố giác vi phạm của người dân.
Sau khi xử lý xong, CSGT phải báo kết quả cho người vi phạm và phải cảm ơn người dân đã hợp tác.
Dự thảo lần này cũng quy định các đơn vị CSGT được phép xử lý hành vi vi phạm luật thông qua hình ảnh, video do người dân cung cấp nhưng phải xác minh, thu thập chứng cứ.
Ngoài ra, thông tư mới còn đề xuất CSGT được trang bị thêm súng trường, súng tiểu liên và được phép phối hợp các lực lượng khác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối...
Bá Di (T/h)