Thời gian qua, những biển số xe VIP thường gắn liền với siêu xe khiến dư luận hoài nghi về việc xe sang có vô tình sở hữu biển VIP hay có việc “đi đêm” để có sự ngẫu nhiên này? Cũng từ thực tế trên, bộ Công an đã chính thức khởi động đề án đấu giá biển số xe với kỳ vọng ngăn chặn tiêu cực.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Anh Tuấn, Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hiểu rõ hơn tính khả thi của đề án này.
PV: Bộ Công an khởi động đề án đấu giá biển số xe với kỳ vọng ngăn chặn tiêu cực trong cấp biển số xe. Quan điểm của ông về đề xuất này ra sao?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Thực tế hiện nay, người dân có nhu cầu biển số xe như ý. Chính vì thế, theo quan điểm cá nhân tôi, việc đấu giá biển số xe công khai cũng là một cách tạo nguồn thu cho ngân sách trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Nếu thực hiện việc này mà vướng các quy định trong luật khác, chúng ta có thể bổ sung để hoàn chỉnh các điều kiện pháp lý trước khi thực hiện việc đấu giá biển số xe.
Nhiều nước cũng đã cho phép thiết kế biển số xe như ý, miễn sao không trùng với biển số xe hiện hữu. Biển số có thể thiết kế riêng và người có nhu cầu sẽ phải trả thêm phí liên quan tới thủ tục giấy tờ hành chính, các hoạt động để có được chiếc biển đó.
Ở Việt Nam, nếu đem đấu giá biển số xe công khai sẽ thỏa mãn nhu cầu, sự quan tâm của người dân và giảm được những tiêu cực mà chúng ta vẫn nói là có trong quá trình nhiều người sở hữu được những biển số xe đẹp thời gian qua. Tôi cho rằng đề án này là hợp lý và cũng nên làm để tận dụng tối đa nguồn thu cho ngân sách. Cá nhân tôi ủng hộ việc này.
PV: Thực tế, biển số xe muốn được đưa ra đấu giá phải được coi là tài sản. Tuy nhiên, trong các luật hiện hành, biển số xe chưa được coi là tài sản. Vậy việc thực hiện có “vướng” hành lang pháp lý?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Như tôi đã nói ở trên, nếu thực hiện mà vướng các quy định trong những luật khác, chúng ta có thể bổ sung để hoàn chỉnh các điều kiện pháp lý trước khi thực hiện việc đấu giá biển số xe. Quan trọng nhất là đề án phải được thực hiện minh bạch, đấu giá phải công khai, không có chuyện “quân xanh quân đỏ”. Theo tôi, đó mới là vấn đề dư luận quan tâm nhất nếu thực hiện việc đấu giá biển số xe.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng cần coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán); không có quyền chiếm hữu (giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác). Liệu nếu quy định vậy có khiến người tham gia đấu giá "ngại", thưa ông?
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng ý kiến này là đúng. Biển số xe phải đi kèm với chiếc xe để phù hợp với nguyên tắc quản lý phương tiện giao thông hiện hành. Mỗi biển số gắn với một xe, khi chuyển nhượng xe thì biển số đó được làm thủ tục cùng với xe. Tôi được biết các nước họ cũng áp dụng như vậy. Bởi thực tế, biển số xe đẹp, nhiều người quan tâm thì khi chuyển nhượng giá trị của biển chắc chắn cũng được tính vào giá trị giao dịch. Việc này không có gì đáng phải lo ngại cả.
Đối với những chiếc xe có biển số đẹp mà không còn khả năng tham gia lưu thông thì chiếc biển này phải được Nhà nước thu lại. Và ai muốn sở hữu phải tiến hành tham gia đấu giá từ đầu. Quan trọng nhất là nếu chúng ta thực hiện được việc đấu giá biển số xe sẽ ngăn chặn được những ‘‘lùm xùm’’ nghi ngại về tiêu cực trong việc cấp biển số xe lâu nay. Và hơn nữa, việc này sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm